Trẻ 3 tuổi cao bao nhiêu là chuẩn?

Chiều cao và cân nặng của trẻ 3 tuổi như thế nào mới đạt chuẩn? Mẹ cần đo thường xuyên và so sánh với bảng kết quả chuẩn do Tổ chức Y tế Thế giới WHO đưa ra hằng năm. Từ đó, mẹ sẽ có phương pháp chăm sóc phù hợp để trẻ phát triển toàn diện. Bài viết dưới đây của Lamsaodecao sẽ giúp các mẹ hiểu hơn về vấn đề này.

Chiều cao và cân nặng của trẻ 3 tuổi là con số quan trọng để cha mẹ đánh giá mức phát triển bình thường. Ở mỗi độ tuổi, trẻ có tỷ lệ chiều cao, cân nặng khác nhau. Dựa vào số đo chuẩn từ WHO, mẹ kịp thời phát hiện những dấu hiệu lạ thường từ cơ thể con để có hướng giải quyết phù hợp.

Trẻ 3 tuổi cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu là chuẩn?

Theo chuẩn chiều cao và cân nặng WHO đưa ra:

  • Bé gái 3 tuổi thông thường sẽ có cân nặng dao động từ 13 đến 15kg và có chiều cao trung bình là 95,1cm.
  • Bé trai 3 tuổi sẽ có cân nặng khoảng 14 kg đến 14,5kg, chiều cao trung bình khoảng 96,1cm.
tre-3-tuoi-cao-bao-nhieu-la-dat-chuan
Trẻ 3 tuổi cao bao nhiêu mới đạt chuẩn?

Để trẻ đạt được chiều cao và cân nặng chuẩn này, mẹ cần phải xây dựng chế độ ăn uống thật khoa học, giúp bé vận động và cho trẻ ngủ đủ giấc. Hơn thế nữa, trong độ tuổi này trẻ cũng bắt đầu phát triển trí não, hình thành tư duy, cần có kế hoạch trau dồi hợp lý.

Cha mẹ lưu ý đây cũng là giai đoạn trẻ dễ bị ốm vặt, biếng ăn. Vì thế, chế độ dinh dưỡng của trẻ phải thật phong phú mới có thể kích thích vị giác, giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Theo các chuyên gia, tốc độ phát triển của trẻ 1 – 3 tuổi quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao để đạt được chiều cao lý tưởng đến khi trưởng thành.

Quá trình phát triển chiều cao của trẻ 0 – 10 tuổi

10 năm đầu đời, trẻ sẽ có thay đổi liên tục về mặt thể chất, đặc biệt là chiều cao. Cụ thể, ở giai đoạn từ 0 – 10 tuổi, một đứa trẻ bình thường sẽ phát triển như sau:

  • Trung bình trẻ khi vừa chào đời có chiều dài cơ thể khoảng 50cm.
  • Sau 1 năm đầu đời, trẻ có thể đạt được 72 – 76cm về chiều dài cơ thể.
  • Ở năm thứ 2 sau khi chào đời, trẻ cao thêm trung bình 1,2cm/tháng.
  • 2 – 3 tuổi là khoảng thời gian trẻ có thể cao lên 10 – 12cm.
  • Trẻ 3 – 5 tuổi bắt đầu đi nhà trẻ, hoạt động nhiều hơn, trẻ cũng chạy nhảy nhiều. Vận động thường xuyên nên trẻ sẽ gọn hơn, chiều cao tiếp tục tăng trưởng nhẹ.
  • Từ 5 tuổi trở đi, chiều cao của trẻ tăng khoảng 6 – 7cm/năm, con số này sẽ tăng lên khi trẻ vào tuổi dậy thì.
qua-trinh-tang-truong-va-phat-trien-chieu-cao-cua-tre
Ở mỗi độ tuổi, trẻ có sự tăng trưởng chiều cao khác nhau.

Trẻ cao lên như thế nào?

Trẻ lớn lên nhờ sự phát triển của các xương, khi xương dài ra trẻ sẽ cao hơn. Sự tăng trưởng này không diễn ra ở toàn bộ xương mà tập trung ở hai đầu xương, dựa vào khả năng phát triển của các sụn tăng trưởng. Quá trình dài xương diễn ra suốt thời gian thơ ấu, từ khi trẻ sinh ra đến năm 18 – 20 tuổi.

Ở trẻ nhỏ, phần đầu xương ở cổ tay và đầu gối vẫn chưa thành hình, có thể vẫn là sụn. Lúc này, trẻ cần được bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết để các phần sụn này phát triển thành xương. Phần sụn tăng trưởng tiếp tục phát triển trong nhiều năm đến khi cốt hóa. Mỗi người có thời điểm cốt hóa khác nhau, sau khi xương cốt hóa, trẻ sẽ không thể phát triển thêm về chiều cao.

Những yếu tố tác động đến chiều cao của trẻ 3 tuổi

Chiều cao trẻ bị tác động bởi các yếu tố như dinh dưỡng 32%, vận động 20%, di truyền 23% và sinh hoạt lành mạnh 25%. Vì thế, muốn trẻ 3 tuổi tăng trưởng nhanh mẹ phải hiểu rõ các yếu tố này và cung cấp đầy đủ điều kiện đúng theo nhu cầu của trẻ trong từng giai đoạn phát triển.

Yếu tố di truyền

23% là mức ảnh hưởng của gen di truyền tới chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, đây không phải yếu tố quyết định, nếu bố và mẹ không có chiều cao lý tưởng thì trẻ vẫn có khả năng phát triển chiều cao tốt nếu được đầu tư dinh dưỡng đầy đủ.

Chế độ dinh dưỡng

Dinh dưỡng quyết định 32% chiều cao của trẻ khi trưởng thành, đây cũng là yếu tố quan trọng nhất. Chế độ ăn uống thiếu cân bằng khiến trẻ không có đủ điều kiện để nuôi dưỡng xương khớp. Một số thói quen xấu trong ăn uống cũng là tác nhân cản trở phát triển chiều cao như bỏ bữa sáng, ăn nhiều đồ chiên rán, thức uống có gas…

tranh-nuoc-ngot-co-gas-de-tang-chieu-cao-cho-tre
Các loại nước ngọt không tốt cho cơ thể trẻ.

Một số loại thực phẩm không tốt cho quá trình phát triển chiều cao mà trẻ nhỏ rất hay nạp vào cơ thể, đặc biệt là:

  • Thực phẩm lợi tiểu: Các loại đồ ăn thức uống lợi tiểu làm trẻ phải đi tiểu nhiều lần, như vậy các chất dinh dưỡng cũng theo đó đào thải ra ngoài. Thực phẩm lợi tiểu làm cơ thể tích trữ nước nhiều, gây gián đoạn giấc ngủ, trẻ không được nghỉ ngơi đầy đủ sẽ khó phát triển chiều cao toàn diện.
  • Đồ ăn ngọt: Cơ thể trẻ khi tiếp nhận quá nhiều chất ngọt sẽ tiết ra một loại hormone gây ức chế khung xương khiến xương không thể phát triển, kìm hãm chiều cao.

Rối loạn tiêu hóa

Trẻ 3 tuổi rất hay gặp các vấn đề về tiêu hóa. Khi hệ tiêu hóa không ổn, cơ thể con không thể hấp thụ dưỡng chất đầy đủ. Chậm hấp thu rất hay diễn ra ở trẻ 3 tuổi, vấn đề này khiến trẻ khó có điều kiện phát triển thể chất.

Thời kỳ mang thai

Dinh dưỡng mẹ nạp vào cơ thể trong thời kỳ mang thai không chỉ ảnh hưởng đến khả năng phát triển của bào thai mà còn tác động đến sự tăng trưởng của trẻ sau này. Sinh con quá nhẹ cân hay thiếu tháng cũng ảnh hưởng không tốt đến chiều cao của trẻ khi lớn lên.

Thói quen sinh hoạt

Lười vận động, thiếu chủ động trong các hoạt động thường ngày, ngủ trễ, dậy trễ… là những thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh mà nếu không được rèn luyện sẽ hình thành thói quen. Độ tuổi này sụn khớp đang trong quá trình hoàn thiện. Trẻ ít vận động khiến xương khớp bị hạn chế chức năng, khó tăng trưởng.

Thời gian ngủ là lúc cơ thể đào thải độc tố, chuyển hóa năng lượng chuẩn bị cho sự phát triển mạnh mẽ. Trẻ ngủ trễ sau 22 giờ bị kìm hãm tăng trưởng do khó đạt được trạng thái sâu giấc đúng thời điểm cơ thể thực hiện các phản ứng liên quan

giac-ngu-anh-huong-rat-nhieu-den-chieu-cao
Trẻ ngủ ngon và ngủ đủ mỗi đêm sẽ phát triển chiều cao tốt hơn.

Béo phì

Cân nặng liên quan mật thiết đến chiều cao của mỗi người. Trẻ thừa cân dễ bị chèn ép xương khớp bởi các lượng mỡ thừa, gây cản trở trong quá trình phát triển. Nếu muốn cao lên thành công, trẻ cần được điều chỉnh mức cân nặng hợp lý, cân đối với chiều cao hiện tại.

Môi trường sống

Khu vực xung quanh nơi trẻ sinh sống cũng tác động đến khả năng tăng trưởng của trẻ. Các vấn đề liên quan đến môi trường sống như thời tiết, nguồn nước, tiếng ồn… ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất trẻ. Cha mẹ cần chú ý các yếu tố này để trẻ tránh gặp phải vấn đề bất lợi cản trở việc tăng trưởng.

Tình trạng bệnh lý

Trẻ có sức đề kháng kém, thường xuyên ốm vặt sẽ khó hấp thụ dinh dưỡng, đồng thời hạn chế vận động. Một số trẻ mắc các bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính, khuyết tật, đã từng phẫu thuật… cũng bị ảnh hưởng không ít. Những trẻ này thường thấp bé, nhẹ cân hơn nhóm trẻ cùng độ tuổi nhưng khỏe mạnh và có hệ miễn dịch tốt.

Bí quyết chăm sóc chiều cao cho trẻ

dinh-duong-de-tang-chieu-cao-cho-tre-3-tuoi
Chú ý chế độ ăn uống để bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho trẻ.

Chú ý đến chế độ dinh dưỡng

Bổ sung dinh dưỡng đúng cách không chỉ giúp trẻ đạt được tối đa tiềm năng phát triển chiều cao mà còn chuẩn bị điều kiện cần thiết để trẻ bước vào giai đoạn dậy thì với tốc độ tăng trưởng tốt nhất. Trẻ cần được đảm bảo bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng quan trọng cho cấu trúc cơ thể như canxi, vitamin D, photpho, các acid amin thiết yếu…

Chăm sóc trẻ 3 tuổi không khác gì chăm cây trồng. Vì thế, mẹ cần phải cung cấp các dưỡng chất cho trẻ đều đặn mỗi ngày, chứ không phải là bổ sung dồn dập. Cách tốt nhất là mẹ xây dựng thực đơn mỗi ngày sao cho khoa học, cân đối, đầy đủ dưỡng chất. Áp dụng kế hoạch ăn uống lành mạnh từ bé sẽ tạo cho trẻ thói quen chăm sóc cơ thể khi lớn lên.

Quan tâm đến vận động của trẻ

Ngoài dinh dưỡng, các mẹ cũng cần chú ý đế chế độ vận động của con, trẻ 3 tuổi rất năng động, thích chạy lon ton. Vì thế mẹ hãy để bé đi, tốt cho việc xương phát triển. Mẹ có thể cho con tham gia vào một số hoạt động vui chơi vừa tốt về mặt thể chất, vừa tăng cường trí não.

Chăm sóc giấc ngủ chất lượng

Trẻ cần ngủ đủ 12 tiếng/ngày để kích thích việc tăng tiết hormone tăng trưởng, giúp tăng chiều cao hiệu quả. Tuy nhiên, hãy cân bằng thời lượng ngủ ban ngày và ban đêm sao cho hợp lý. Ban đêm trẻ cần ngủ đủ 8 tiếng vì thời gian hormone tăng trưởng tiết ra nhiều nhất là vào thời gian này. Khung giờ “vàng” hormone tăng tiết là khoảng 23h – 1h sáng ngày hôm sau.

Cho trẻ tiếp xúc ánh nắng mặt trời

Thông qua cơ chế bức xạ tia cực tím, ánh nắng mặt trời có thể tổng hợp một lượng vitamin D đáng kể trên da. Tuy nhiên, ánh nắng mặt trời chỉ có thể phát huy tác dụng này vào hai thời điểm: Sáng sớm (trước 8h sáng) và chiều muộn (sau 16h30). Cha mẹ chú ý không cho trẻ tiếp xúc trực tiếp ánh nắng vào các thời điểm khác, nhất là buổi trưa vì tia UV gây hại cho cơ thể, cản trở chiều cao tăng trưởng.

anh-nang-mat-troi-giup-tang-chieu-cao-cho-tre-3-tuoi
Cho trẻ tiếp xúc ánh nắng hợp lý cũng là bí quyết phát triển chiều cao.

Hy vọng với thông tin bài viết mang lại, các mẹ đã biết trẻ 3 tuổi cao bao nhiêu là chuẩn để so sánh với chiều cao hiện tại của con. Từ đây, mẹ có thể xây dựng chế độ dinh dưỡng, vận động, ngủ nghỉ một cách khoa học để trẻ khỏe mạnh, đạt điều kiện cao lớn khi trưởng thành.

Tác giả bài viết chuyên gia Nguyễn Hoàng.