Cong vẹo cột sống xảy ra khá phổ biến hiện nay và thậm chí còn diễn ra ở thanh thiếu niên chưa phát triển chiều cao hoàn thiện. Liệu cong vẹo cột sống có ảnh hưởng đến chiều cao không và có cách nào để ngăn ngừa, khắc phục tình trạng này? Bài viết sau đây của Làm sao để cao sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên.
Khái niệm cong vẹo cột sống và sự liên quan chiều cao
Cong vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị vẹo, cong sang 1 bên, không giữ được hình dáng thẳng đứng vốn có. Đây là bệnh lý cột sống thường gặp ở trẻ em vị thành niên từ 10-15 tuổi. Bé gái có nguy cơ mắc cong vẹo cột sống cao hơn bé trai.
Các dạng cong vẹo cột sống thường gặp:
- Cong vẹo cột sống bẩm sinh: Có các biểu hiện: Vai lệch sang 1 bên, vòng eo không đều, đầu bị nghiêng, cơ thể nghiêng về bên trái hoặc bên phải.
- Cong vẹo cột sống thần kinh: Do các dây thần kinh và cơ bắp không thể duy trì cột sống, tạo ra áp lực đến tủy sống, não và hệ thống cơ bắp, gây ra sự thay đổi trong tư thế.
- Cong vẹo cột sống dính khớp: Xảy ra do độ cong ngang của xương sống ở thắt lưng dưới bị thay đổi theo thời gian, tạo thành hình chữ C, thường bị đau nhức, cứng khớp ở lưng dưới, ngứa chân hoặc bị đau nhức chân khi đi bộ.
- Cong vẹo cột sống triệu chứng: Là một dạng cong vẹo cột sống gây rối loại mô liên kết. Loại cong vẹo cột sống này có thể không gây đau nhức hoặc chỉ hơi khó chịu nhẹ khi ngồi.
Bị cong vẹo cột sống có ảnh hưởng chiều cao hay không?
Theo bác sĩ Đinh Ngọc Sơn, phó trưởng khoa phẫu thuật cột sống – Bệnh viện Việt Đức, trẻ bị cong vẹo cột sống có thể thấp hơn chiều cao tiềm năng tối đa khoảng 5-6cm.
Trẻ bị cong vẹo cột sống, lúc đầu cơ thể sẽ tự điều chỉnh để giữ thăng bằng nên biểu hiện bên ngoài không quá bất thường, ít được để ý. Tuy nhiên, theo thời gian, tình trạng cong vẹo ngày càng nghiêm trọng có thể làm biến dạng lồng ngực, gây xẹp phổi, tác động xấu đến hệ tim mạch, gây nên những cơn đau do dây thần kinh bị chèn ép. Các vấn đề sức khỏe này lại chi phối đến quá trình tăng trưởng chiều cao tự nhiên, khiến trẻ bị thấp còi.
Do đó, có thể khẳng định cong vẹo cột sống ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ, thậm chí là tác động khá lớn. Không nên chủ quan với các dấu hiệu của cong vẹo cột sống và cần điều trị càng sớm càng tốt để chiều cao tăng trưởng thuận lợi.
Xem thêm: Thực phẩm giàu canxi tăng chiều cao
Nguyên nhân dẫn đến cong vẹo cột sống
Cong vẹo cột sống hình thành do các tác nhân sau đây:
Tư thế ngồi học, làm việc
Khi ngồi học bài hoặc làm việc, tư thế của trẻ thường cong sang 1 bên thay vì duy trì trạng thái ngồi thẳng đứng. Lâu ngày làm cho cột sống bị “bẻ cong” theo gây cong vẹo cột sống.
Khuân vác đồ nặng
Nhiều trẻ em thường phải mang cặp sách chứa quá nhiều sách vở từ nhà đến trường, từ trường đến nhà khiến cột sống chịu áp lực lớn, bị đè nén, nghiêng về 1 bên, nhất là khi trẻ sử dụng loại cặp sách mang chéo.
Yếu tố di truyền
Cong vẹo cột sống có thể di truyền. Nếu trẻ có người thân bị cong vẹo cột sống thì rất có thể ngay từ khi sinh ra cột sống của trẻ đã bị cong vẹo và theo quá trình phát triển, tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn nếu không có phương pháp điều trị kịp thời.
Cách phát hiện sớm cong vẹo cột sống
Thường xuyên kiểm tra cột sống là cách hiệu quả để phát hiện sớm tình trạng cong vẹo cột sống. Có 4 cách kiểm tra cong vẹo cột sống nhà do bác sĩ Paul D’Alfonso – Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Trị liệu thần kinh cột sống Maple Healthcare chia sẻ được sử dụng khá phổ biến sau:
Cách 1: Kiểm tra khi cúi gập người
Cha mẹ có thể cho con đứng thẳng người, sau đó từ từ cúi gập người xuống, hai tay cố gắng chạm được vào mũi chân. Sau đó quan sát từ phía trước và phía sau để biết được một bên sườn, lưng dưới có đang cao hơn bên còn lại hay không.
Cách 2: Kiểm tra khi đứng thẳng
Hãy cho con đứng thẳng người, tiến hành quan sát từ phía trước, phía sau và bên hông. Nếu con bị cong vẹo cột sống thì lưng thường bị cong và vai sẽ bị lệch, dễ dàng nhận kra khi con ở tư thế đứng thẳng.
Cách 3: Kiểm tra quần áo đo may theo cơ thể
Khi nhận đồ may đo theo kích thước cơ thể con, cha mẹ có thể quan sát ống quần của trẻ có bị bên dài bên ngắn không, một bên tay áo có ngắn hơn so với bên còn lại không. Vì may đo theo đúng kích thước cơ thể nên quần áo này sẽ phản ánh đúng tình trạng chênh lệch giữa 2 bên đối xứng của cơ thể trẻ.
Cách 4: Đánh giá tư thế khi trẻ bước đi
Nhiều trường hợp do cong vẹo cột sống có thể khiến trẻ bước đi khập khiễng. Quan sát tư thế đi của trẻ để biết được trẻ có đang bị bệnh lý này không nhé.
Điều trị cong vẹo cột sống
Có 2 cách điều trị cong vẹo cột sống:
Điều chỉnh tư thế
Trường hợp cong vẹo cột sống dạng nhẹ do tư thế ngồi hoặc mang vác đồ vật nặng sai cách, mang cặp sách nặng thì điều chỉnh tư thế là cách điều trị phù hợp nhất. Các bạn có thể tiến hành điều chỉnh tư thế ngồi sao cho đầu, cổ, lưng luôn nằm trên một đường thẳng. Mang vác vật nặng đúng cách, phân bổ đều ở 2 bên vai và không mang vác đồ vật có khối lượng vượt quá 15% trọng lượng cơ thể.
Phẫu thuật
Trường hợp cong vẹo cột sống bẩm sinh hoặc tình trạng bệnh đã nghiêm trọng, việc điều chỉnh tư thế không mang lại hiệu quả như mong đợi, cần tiến hành phẫu thuật để tìm lại hình dáng cột sống ban đầu và thuận tiện hơn trong cuộc sống.
Các cách điều trị cong vẹo cột sống bằng phẫu thuật như sau:
- Hàn liên đốt sống: Các đốt sống bị cong bất thường sẽ được điều trị để kết hợp lại với nhau bằng dụng cụ bằng kim loại chuyên dụng. Việc này sẽ kết thúc sự phát triển của các đốt sống bị vẹo, ngăn chặn các đường cong vẹo trở nên tồi tệ hơn.
- Cắt bỏ các đốt sống bị khuyết tật nửa đốt sống: Bác sĩ sẽ làm phẫu thuật cắt bỏ đốt sống bị khuyết tật nửa đốt sống kết hợp đặt dụng cụ cố định để khắc phục tình trạng cột sống bị cong vẹo.
- Đặt dụng cụ vào cột sống: Một thanh dọc có khả năng cố định đốt sống sẽ được lắp đặt vào cột sống. Cứ mỗi 6-8 tháng một lần, trẻ sẽ phải tiến hành phẫu thuật để điều chỉnh độ dài thiết bị theo kịp với sự phát triển của trẻ. Khi cột sống đã phát triển đầy đủ, bác sĩ sẽ phẫu thuật tháo dụng cụ và hàn liên đốt sống cho trẻ.
Cách phòng chống cơ thể bị cong vẹo cột sống
Để ngăn ngừa cong vẹo cột sống, các bạn cần chú ý các vấn đề sau đây:
- Chú ý tư thế khi ngồi trên bàn học: Hai chân đặt ngay ngắn, cẳng chân và đùi tạo thành một góc 90 độ, tựa lưng và thành ghế, đầu cổ chỉ nên hơi ngả về phía trước chứ không cúi quá thấp.
- Mang cặp sách dạng balo với phần quai ở 2 vai để khối lượng sách vở dàn đều trên 2 vai, không dùng cặp sách đeo chéo. Khống chế khối lượng sách vở ở mức vừa phải, không quá 15% trọng lượng cơ thể.
- Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, chế độ ăn có đủ vitamin, khoáng chất, protein để cơ thể phát triển tốt, khỏe mạnh. Ngoài thực phẩm trong bữa ăn hằng ngày có thể sử dụng thêm sản phẩm bổ sung dinh dưỡng dạng viên.
- Thường xuyên tập luyện thể thao để tăng cường sức khỏe, thể lực, nâng cao thể trạng.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện cong vẹo cột sống, có cách điều trị kịp thời và phù hợp.
Cong vẹo cột sống có thể trở thành tác nhân gây thấp lùn, đồng thời phá hỏng dáng người của bạn. Do đó, cần tuyệt đối cảnh giác với bệnh lý này, chú ý chăm sóc sức khỏe thật tốt để chiều cao phát triển hết tiềm năng và đảm bảo sức khỏe.