Bảng chiều cao cân nặng chuẩn của trẻ sơ sinh từ 0 đến 24 tháng

Cũng giống như nhiều bậc cha mẹ khác, bạn sẽ không thể nào thoát khỏi sự lo lắng rằng con mình có đang phát triển khỏe mạnh hay không. Nhìn chung, quá trình tăng trưởng của trẻ sơ sinh diễn ra rất liên tục và dễ đoán. Bên cạnh việc đưa con đến cơ sở y tế, cha mẹ còn có thể tham khảo bảng chiều cao cân nặng chuẩn của trẻ sơ sinh do WHO đưa ra.

Chiều cao cân nặng chuẩn của trẻ sơ sinh bắt đầu thay đổi từ tháng thứ mấy
Chiều cao cân nặng chuẩn của trẻ sơ sinh bắt đầu thay đổi từ tháng thứ mấy

Nguyên tắc đo chiều cao cân nặng cho trẻ sơ sinh

Có một nguyên tắc “bất di bất dịch” khi đo chiều cao cho trẻ sơ sinh mà cha mẹ cần nắm, chính là nên đo khi trẻ đang nằm. Đây là phép đo khoảng cách từ đỉnh đầu đến gót chân và cần được thực hiện bởi sự giúp đỡ của cả cha lẫn mẹ.

Các bước đo chiều cao cho trẻ sơ sinh được tiến hành như sau:

  • Cho trẻ nằm ngửa trên mặt đất, trên bàn hoặc ghế dài (miễn là nó bằng phẳng). Nên cởi hết những bộ quần áo cồng kềnh trên người trẻ, chỉ giữ lại tã lót.
  • Đảm bảo đỉnh đầu của trẻ đã được áp trực tiếp vào vật phẳng như đầu giường hoặc tường.

Để đo chính xác, cha và mẹ nên cùng thực hiện những bước tiếp theo. Trong đó, cha giữ hai chân của trẻ được duỗi thẳng và mẹ sẽ giữ nhẹ hai bên đầu của trẻ.

  • Đặt thước đo trên bề mặt phẳng ngay bên cạnh con.
  • Đo khoảng cách từ đỉnh đầu đến gót chân.
  • Ghi lại chiều cao chính xác đến 0.1cm.
Mô phỏng cách đo chiều cao cho trẻ sơ sinh chính xác
Mô phỏng cách đo chiều cao cho trẻ sơ sinh chính xác.

Cha mẹ cũng cần biết được rằng, chiều cao đo được khi trẻ nằm và lúc đứng lên có thể chênh nhau 2.5cm.

Trẻ sơ sinh còn quá nhỏ và không thể tự đứng trên cân, cha mẹ có thể tự đo trọng lượng cho con tại nhà bằng cách: Tự đo cân nặng của bản thân, sau đó đo cân nặng khi đang bế con. Khi này, cân nặng của riêng trẻ chính là kết quả phép trừ cân nặng khi bế con và cân nặng của chính bạn. Hãy lặp lại ít nhất 2 lần để thu được kết quả chính xác nhất.

Bảng chiều cao cân nặng chuẩn của trẻ sơ sinh theo từng tháng

Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã đưa ra bảng chiều cao cân nặng trẻ sơ sinh theo từng tháng giúp cha mẹ thuận tiện theo dõi sự phát triển khỏe mạnh của con.

Bảng chiều cao cân nặng chuẩn của bé gái sơ sinh

Dưới đây là bảng chiều cao cân nặng chuẩn của bé gái sơ sinh. Trong đó, các số liệu trong 2 cột “TB” của chiều cao và cân nặng chính là chiều cao chuẩn và cân nặng chuẩn mà các bé gái ở thời điểm đó sẽ đạt được.

BẢNG CHIỀU CAO CÂN NẶNG CHUẨN CỦA BÉ GÁI SƠ SINH
Thời điểm Chiều cao (cm) Cân nặng (kg)
-2SD TB +2SD -2SD TB +2SD
Mới sinh 45.4 49.1 52.9 2.4 3.2 4.2
1 tháng 49.8 53.7 57.6 3.2 4.2 5.5
2 tháng 53 57.1 61.1 3.9 5.1 6.6
3 tháng 55.6 59.8 64 4.5 5.8 7.5
4 tháng 57.8 62.1 66.4 5 6.4 8.2
5 tháng 59.6 64 68.5 5.4 6.9 8.8
6 tháng 61.2 65.7 70.3 5.7 7.3 9.3
7 tháng 62.7 67.3 71.9 6 7.6 9.8
8 tháng 64 68.7 73.5 6.3 7.9 10.2
9 tháng 65.3 70.1 75 6.5 8.2 10.5
10 tháng 66.5 71.5 76.4 6.7 8.5 10.9
11 tháng 67.7 72.8 77.8 6.9 8.7 11.2
12 tháng 68.9 74 79.2 7 8.9 11.5
15 tháng 72 77.5 83 7.6 9.6 12.4
18 tháng 74.9 80.7 86.5 8.1 10.2 13.2
21 tháng 77.5 83.7 89.8 8.6 10.9 14
24 tháng 80 86.4 92.9 9 11.5 14.8

Bảng chiều cao cân nặng chuẩn của bé trai sơ sinh

Tương tự, cha mẹ có thể dựa vào cột “TB” trong bảng chiều cao cân nặng chuẩn của bé trai sơ sinh để theo dõi sự phát triển khỏe mạnh của con.

BẢNG CHIỀU CAO CÂN NẶNG CHUẨN CỦA BÉ TRAI SƠ SINH
Thời điểm Chiều cao (cm) Cân nặng (kg)
-2SD TB +2SD -2SD TB +2SD
Mới sinh 46.1 49.9 53.7 2.5 3.3 4.4
1 tháng 50.8 54.7 58.6 3.4 4.5 5.8
2 tháng 54.4 58.4 62.4 4.3 5.6 7.1
3 tháng 57.3 61.4 65.5 5 6.4 8
4 tháng 59.7 63.9 68 5.6 7 8.7
5 tháng 61.7 65.9 70.1 6 7.5 9.3
6 tháng 63.3 67.6 71.9 6.4 7.9 9.8
7 tháng 64.8 69.2 73.5 6.7 8.3 10.3
8 tháng 66.2 70.6 75 6.9 8.6 10.7
9 tháng 67.5 72 76.5 7.1 8.9 11
10 tháng 68.7 73.3 77.9 7.4 9.2 11.4
11 tháng 69.9 74.5 79.2 7.6 9.4 11.7
12 tháng 71 75.7 80.5 7.7 9.6 12
15 tháng 74.1 79.1 84.2 8.3 10.3 12.8
18 tháng 76.9 82.3 87.7 8.8 10.9 13.7
21 tháng 79.4 85.1 90.9 9.2 11.5 14.5
24 tháng 81 87.1 93.2 9.7 12.2 15.3

Điều quan trọng là, nếu bé có xê dịch một chút so với tiêu chuẩn này nhưng vẫn chưa vượt ngưỡng thiếu cân (-2SD) hoặc thừa cân (+2SD) thì cha mẹ hoàn toàn có thể an tâm.

Xem thêm: Cách tăng chiều cao cho trẻ sơ sinh

Lưu ý chỉ số 2SD khi đo chiều cao cân nặng của trẻ sơ sinh

Khi nhìn vào bảng chiều cao cân nặng chuẩn của trẻ sơ sinh, cha mẹ có thể nhìn thấy 2 cột -2SD và +2SD. Vậy ý nghĩa của chỉ số 2SD là gì và cách đọc các chỉ số này như thế nào?

SD là từ viết tắt của Standard Deviation, có nghĩa là sự lệch chuẩn. Ngoài mức chuẩn là TB, còn có các mức lệch chuẩn khác theo cấp độ từ 1 – 3 và dấu (-) hoặc (+) biểu thị cho thừa hoặc thiếu.

Cách đọc chỉ số 2SD cân nặng

Chỉ số 2SD cân nặng được WHO chia thành -2SD gọi là giới hạn dưới và +2SD gọi là giới hạn trên. Nếu cân nặng đo được của trẻ thấp hơn -2SD tức là trẻ chỉ nặng khoảng 80% so với chuẩn, điều này thể hiện rằng trẻ đang/có nguy cơ suy dinh dưỡng. Ngược lại, nếu cân nặng nặng đo được cao hơn +2SD thì trẻ đang có nguy cơ thừa cân, béo phì.

Cách đọc chỉ số 2SD chiều cao

Tương tự như cân nặng, chỉ số 2SD chiều cao cũng được chia thành -2SD là giới hạn dưới và +2SD giới hạn trên. Với chiều cao nhỏ hơn -2SD có nghĩa là trẻ đang bị/ có nguy cơ thấp còi. Ngược lại, chiều cao cao hơn chỉ số +2SD có nghĩa là chiều cao của trẻ đang quá mức bình thường.

Chiều cao và cân nặng là hai chỉ số phản ánh sự phát triển khỏe mạnh của trẻ sơ sinh. Bằng cách nắm được chỉ số 2SD của trẻ, cha mẹ có thể biết được rằng con đang phát triển khỏe mạnh hay có nguy cơ bệnh tật hay không và có giải pháp cải thiện kịp thời.

Sự phát triển khỏe mạnh trong những năm đầu đời là bước đệm cho giai đoạn tiếp theo.
Sự phát triển khỏe mạnh trong những năm đầu đời là bước đệm cho giai đoạn tiếp theo.

Chỉ số chiều cao cân nặng của trẻ sơ sinh theo từng giai đoạn

Quá trình tăng trưởng và phát triển cơ thể diễn ra rất mạnh mẽ khi trẻ ở giai đoạn sơ sinh. Nếu theo dõi chỉ số chiều cao cân nặng của trẻ sơ sinh theo từng giai đoạn có thể khiến nhiều cha mẹ bất ngờ về điều này.

Trẻ mới sinh

Trẻ mới sinh thường có chiều dài cơ thể (chiều cao) khoảng 50cm và cân nặng khoảng 3.3kg. Ngoài ra, chu vi vòng đầu của trẻ mới sinh cũng rất được chú ý. Bé gái có thể đạt 33.8cm, trong khi bé trai là 34.3cm.

Chào đời – 4 ngày tuổi

Trên thực tế, hầu hết trẻ sơ sinh sẽ xuất viện với cân nặng nhẹ hơn so với lúc vừa được sinh ra. Khoảng 5 – 10% trọng lượng của con sẽ giảm xuống trong tuần đầu tiên do bị mất nước và dịch khi tiểu và đi nặng.

5 ngày tuổi – 3 tháng tuổi

Mỗi ngày trẻ có thể tăng trung bình 15 – 28 gam. Chỉ sau 2 tuần, cân nặng của trẻ sẽ tăng lên bằng đúng cân nặng lúc mới sinh. Cân nặng và chiều cao của trẻ sẽ liên tục tăng lên mạnh mẽ. Đến khi được 3 tháng tuổi, trẻ sẽ tăng hơn 30% trọng lượng và 20% chiều dài cơ thể.

3 – 6 tháng tuổi

Ở thời điểm từ 3 – 6 tháng tuổi, trẻ có thể tăng khoảng 225 gam trong 2 tuần. Với mức tăng này, khi được 6 tháng tuổi, trẻ sẽ đạt được cân nặng gấp đôi lúc vừa chào đời. Cùng với sự tăng trưởng chiều cao, cân nặng, thể chất, kỹ năng vận động của trẻ cũng thay đổi đáng kể.

7 – 12 tháng tuổi

Trong giai đoạn từ 7 – 12 tháng tuổi, trọng lượng cơ thể của trẻ sẽ tiếp tục tăng thêm 500 gam mỗi tháng. Sự tăng cân này thường dẫn đến cân nặng sẽ tăng gấp 3 lần sau 1 tuổi. Trẻ sơ sinh thường cao thêm 25cm trong năm đầu tiên và chiều cao tổng thể đạt khoảng 72 – 76cm khi tròn 1 tuổi.

Từ tháng thứ 6, trẻ sẽ dần có những biến chuyển về thể chất và kỹ năng vận động
Từ tháng thứ 6, trẻ sẽ dần có những biến chuyển về thể chất và kỹ năng vận động

Những yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao cân nặng trẻ sơ sinh

Theo các nhà khoa học, sự phát triển chiều cao cân nặng trẻ sơ sinh chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau gồm gen di truyền, dinh dưỡng, sữa mẹ và chất bổ sung, tắm nắng mặt trời. Bạn cần theo dõi bảng chiều cao cân nặng của trẻ sơ sinh thường xuyên để điều chỉnh chỉ số cơ thể cho bé.

Yếu tố gen di truyền

Yếu tố gen di truyền có tác động không nhỏ đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Chiều cao được kiểm soát phần lớn bởi sự kết hợp của các biến thể di truyền cùng với yếu tố môi trường (chẳng hạn dinh dưỡng).

Hơn 700 biến thể gen được xác định là có ảnh hưởng đến chiều cao. Một số biến thể này nằm trong các gen ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sụn, từ đó làm dài xương và giúp trẻ cao lên. Tuy nhiên, gen di truyền chỉ chiếm khoảng 23% khả năng tăng chiều cao.

Dinh dưỡng trong bụng mẹ

Sự phát triển thể chất, đặc biệt là cân nặng của trẻ sơ sinh còn chịu sự chi phối bởi dinh dưỡng trong bụng mẹ. Điển hình là tác động của suy dinh dưỡng dẫn đến tình trạng chậm phát triển ở trẻ.

Các chuyên gia y tế đã nhận định, suy dinh dưỡng không chỉ khiến mật độ xương, sức khỏe răng miệng của trẻ suy giảm mà còn tác động tiêu cực đến khả năng phát triển trong giai đoạn dậy thì và tiền dậy thì. Chính vì vậy, dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ.

Sữa mẹ và các chất dinh dưỡng bổ sung

Sữa mẹ sẽ bảo vệ hệ tiêu hóa non nớt của trẻ trước những tác nhân có thể gây nhiễm trùng. Nếu trẻ được bú trong vòng 1 giờ sau khi chào đời sẽ góp phần giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng. Sữa mẹ còn là nguồn cung cấp dinh dưỡng dồi dào cho trẻ. Ở giai đoạn sơ sinh đến 1 tuổi, sữa mẹ có thể đáp ứng ½ nhu cầu năng lượng cho con.

Ở giai đoạn sơ sinh, cơ thể trẻ vốn dĩ còn rất yếu và cần có thời gian làm quen với môi trường. Cha mẹ chỉ nên cho trẻ dùng các chất dinh dưỡng bổ sung khi thật sự cần thiết và cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Tắm nắng mặt trời

Hiệp hội Nhi khoa Indonesia (IDAI) khuyến cáo thời điểm tốt nhất là từ 6 giờ đến 7 giờ 30 sáng khi ánh nắng chưa gay gắt. Nếu tình hình và điều kiện không khả thi, đừng ép bé tắm nắng. Đảm bảo mắt trẻ không bị ánh nắng trực tiếp chiếu vào khi tắm nắng. Cha mẹ có thể che mắt trẻ bằng vải mỏng hoặc đặt đầu trẻ theo hướng ngược lại với mặt trời.

Thời điểm tắm nắng lý tưởng cho trẻ sơ sinh là 6 giờ - 7 giờ 30
Thời điểm tắm nắng lý tưởng cho trẻ sơ sinh là 6 giờ – 7 giờ 30

Những điều mẹ cần lưu ý để trẻ sơ sinh phát triển toàn diện

Để trẻ sơ sinh phát triển toàn diện, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:

  • Cung cấp cho trẻ nguồn dinh dưỡng lành mạnh và đúng thời điểm.
  • Ưu tiên cho con uống sữa mẹ hơn các dòng sữa ngoài.
  • Khi trẻ tròn 6 tháng tuổi, hãy bắt đầu cho trẻ ăn dặm với đa dạng các loại thực phẩm như rau, thịt, cá, trứng, hoa quả,… kết hợp với sữa mẹ.
  • Thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ để có những giải pháp kịp thời khi phát hiện ra những yếu tố gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

3 năm đầu đời là khoảng thời gian trẻ phát triển tối đa tiềm năng di truyền, đây cũng là “nền tảng” cho sự tăng trưởng vượt bậc ở những giai đoạn tiếp theo. Thường xuyên theo dõi sức khỏe của trẻ cũng như chiều cao, cân nặng là điều cần thiết mà các cha mẹ không xem nhẹ.

Qua bài viết dưới đây chúng tôi hy vọng các bậc cha mẹ phụ huynh có thể tham khảo bảng chiều cao cân nặng chuẩn của trẻ sơ sinh để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, phát triển chiều cao cân nặng hợp lý cho các bé.

sua-nubest-tall-6-trong-1