Việt Nam là một trong những quốc gia có chiều cao trung bình thấp nhất khu vực và Thế Giới. Điều này đã và đang tác động tiêu cực đến hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Áp dụng các giải pháp cải thiện chiều cao hiệu quả là việc chúng ta cần phải nghiêm túc thực hiện càng sớm càng tốt. Chiều cao trung bình của người Việt Nam hiện nay là bao nhiêu và làm thế nào để tăng chiều cao nhanh chóng? Cùng tìm hiểu chuyên sâu về các nội dung này trong bài viết sau đây của Lamsaodecao.com nhé.
Chiều cao và vị trí của người Việt trên bản đồ chiều cao Thế Giới
Theo thống kê của Viện Y học ứng dụng Việt Nam vào năm 2017 cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia lùn nhất thế giới. Nam giới nước ta xếp thứ 19 trong số những nước có chiều cao thấp nhất thế giới với chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam là 1m64,4. Đỗi với nữ giới, chiều cao trung bình nữ giới Việt Nam là 1m53,6. đứng thứ 13 trong danh sách những nước có chiều cao thấp nhất thế giới.
So với chiều cao trung bình của Thế Giới theo công bố của Disabled-world (ngày 30/09/2018), chiều cao trung bình của nam giới trên toàn thế giới là 1m77 còn của nữ giới là 1m63.3, nam giới Việt Nam còn thiếu đến hơn 13cm, nữ giới thiếu hơn 10cm mới có thể bằng với mức chuẩn.
Gần hơn, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp ở top cuối về chiều cao trung bình, chỉ nhỉnh hơn Indonesia và Philippines.
Tốc độ tăng trưởng chiều cao trung bình Việt Nam dù đã có sự cải thiện so với các giai đoạn trước nhưng vẫn còn thấp so với các quốc gia khác. Từ năm 2000 – 2016, người Việt chỉ cao lên khoảng 1cm đối với nữ và 2.1cm đối với nam.
Những nguyên nhân khiến người Việt thấp bé
Bạn có biết đâu là những nguyên nhân khiến cho người Việt thấp bé không? Chiều cao người Việt ở mức thấp và tăng trưởng kém trong những năm qua có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau đây:
Thiếu vi chất dinh dưỡng
Theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng năm 2014-2015, tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam ở mức rất cao. Trong số trẻ em dưới 5 tuổi hiện nay có đến gần 1/3 bị thiếu máu, 2/3 bị thiếu kẽm. Ước tính, 7.5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi thì có đến 1 triệu em bị thiếu vitamin A tiền lâm sàng.
Trong một khảo sát khác của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ em Việt Nam chỉ đáp ứng được hơn 60% nhu cầu Canxi và gần 11% nhu cầu vitamin D của cơ thể theo mức khuyến nghị. Trong khi đó, đây là 2 vi chất đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với hệ xương khớp và sự tăng trưởng chiều cao.
Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em tại Việt Nam tuy đã có sự cải thiện đáng kể so với các thời kỳ trước nhưng vẫn còn ở mức cao. Thống kê của Viện Dinh dưỡng, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi của Việt Nam năm 2017 ở mức 23.8%.
Trong khi đó, dinh dưỡng có khả năng tác động đến 32% trong quá trình phát triển chiều cao tự nhiên, cũng là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất. Nếu không bổ sung đủ hàm lượng dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt là thiếu các chất dinh dưỡng trực tiếp tham gia vào cấu tạo xương thì xương có thể phát triển kém, yếu, chiều cao chậm tăng trưởng.
Muốn trẻ em Việt Nam cao lớn, khỏe mạnh, trước hết cần chú ý cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng cho trẻ ngay từ khi còn trong bào thai cho đến hết tuổi dậy thì.
Trong đó, thời kỳ bào thai, 3 năm đầu đời, dậy thì là những giai đoạn vàng để thúc đẩy chiều cao. Chăm sóc dinh dưỡng đúng cách trong suốt hành trình phát triển, đặc biệt là 3 thời điểm này, trẻ sẽ có được điều kiện tốt nhất để tăng trưởng chiều cao vượt trội, sở hữu hình thể nổi bật khi trưởng thành.
Lười vận động, làm việc nặng quá sức
Người Việt nằm trong nhóm các dân tộc lười vận động nhất Thế Giới. Đây là kết quả một cuộc khảo sát do các chuyên gia thuộc Đại học Stanford (Mỹ) thực hiện.
Người dân Việt Nam phát triển mạnh kinh tế nông nghiệp, nổi tiếng với đức tính cần cù, chăm chỉ. Vậy tại sao lại nằm trong top các quốc gia lười nhất?
Thực tế, khái niệm vận động ở đây chủ yếu nhắc đến việc tập luyện thể dục thể thao. Người Việt chăm làm việc nhưng thực tế lại rất ít khi tập luyện thể thao. Khi dạo quanh các khu thể thao liên hợp, công viên, bờ hồ… những người tham gia tập thể dục chủ yếu là người lớn tuổi, rất ít khi thấy trẻ em, thanh thiếu niên.
Bản thân các công việc gia đình, đồng áng, tuy vất vả, mệt nhọc nhưng lại không tác động tích cực đến sự tăng trưởng chiều cao nhiều như các bộ môn thể thao như: Bơi lội, đu xà đơn, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, yoga….
Kỹ thuật của các môn thể thao này đòi hỏi cơ thể phải bật nhảy lên cao, căng dãn tối đa, giúp cột sống cũng như các khớp xương được kích thích phù hợp, tạo điều kiện để xương tích lũy được nhiều khoáng chất, tăng mật độ xương và phát triển chiều dài, chiều dày thuận lợi, từ đó cải thiện chiều cao nhanh chóng.
Trong khi đó, trẻ em và thanh thiếu niên làm việc nặng thường xuyên, mang vác quá sức còn tác động tiêu cực đến hệ xương, thậm chí khiến xương bị biến dạng, tổn thương, cản trở sự phát triển của chiều cao, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Vận động thể thao thường xuyên đóng góp 20% trong quá trình tăng trưởng chiều cao. Ngoài ra, vận động còn giúp cơ thể săn chắc hơn nhờ khả năng đốt cháy mỡ thừa, hỗ trợ lưu thông máu, đào thải độc tố, tăng cường sức bền… rất có lợi cho sức khỏe. Nền tảng sức khỏe tốt là điều kiện lý tưởng để chiều cao tăng trưởng hết tiềm năng.
Xem video về chiều cao của người Việt Nam
Ngủ không đủ giấc
Ông bà ta có câu “Mất ăn không bằng mất ngủ” để nói về tầm quan trọng của giấc ngủ. Đối với sự phát triển tự nhiên của chiều cao, giấc ngủ cũng là yếu tố chiếm tỉ lệ quyết định khá lớn.
Dù tuyến yên sản xuất nội tiết tố tăng trưởng liên tục cả ngày. Nhưng khi ngủ sâu, cơ quan này sẽ sản sinh ra lượng nội tiết tố tăng trưởng nhiều hơn các thời điểm khác. Nếu giấc ngủ sâu rơi vào khung giờ từ 23h – 01h sáng, cơ thể sẽ càng nhận được nhiều nội tiết tố tăng trưởng hơn.
Loại nội tiết tố này sẽ tham gia điều khiển sự tăng trưởng của mô, tế bào cũng như tế bào xương, giúp xương dài ra, chiều cao tăng lên. Càng có nhiều nội tiết tố tăng trưởng được sản xuất thì chiều cao càng tăng trưởng tốt.
Do đó, ngủ sớm, ngủ đủ giấc có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển chiều cao. Tuy nhiên, người Việt Nam chúng ta lại thuộc nhóm ngủ ít nhất với tổng số thời gian ngủ từ 6.5 – 7 tiếng mỗi ngày theo một cuộc khảo sát gần đây do The Economist công bố. Trẻ em và thanh thiếu niên đang tuổi đến trường thậm chí còn có thể ngủ ít hơn con số công bố này vì nhiều nguyên nhân:
Áp lực học tập: Tâm lý thành tích khiến nhiều bố mẹ Việt đòi hỏi con cái phải dành nhiều thời gian cho việc học, tham gia nhiều lớp học thêm, học bồi dưỡng trong ngày. Các em học sinh có thể phải đi học từ sáng sớm đến đêm muộn, sau đó còn phải giải quyết một lượng bài tập về nhà lớn. Vào thời điểm diễn ra các kỳ thi hoặc có bài kiểm tra, học sinh thậm chí còn không có thời gian để ngủ. Áp lực học tập khiến sự ưu tiên cần có cho giấc ngủ bị giảm đi đáng kể, chiều cao theo đó cũng không thể tăng trưởng hết tiềm năng.
Sự phát triển của Internet: Khoảng 1 thập kỷ gần đây, Internet đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, wifi phủ sóng mọi nơi, thiết bị điện tử không còn xa lạ gì với hầu hết mọi người, đặc biệt là trẻ em. Khi bố mẹ không có sự kiểm soát, giám sát hợp lý, trẻ em có thể bị cuốn vào vòng xoáy thế giới ảo mà quên đi giấc ngủ, thức khuya, ngủ không đủ giấc là điều khá phổ biến.
Các em có thể chơi game, trò chuyện với bạn bè, xem phim, lướt web… đến 1-2h sáng, sau đó thức dậy sớm để đến trường. Thậm chí, nếu ngủ nướng vào ngày hôm sau, tức là vẫn đáp ứng được thời gian ngủ nhưng trẻ vẫn bị thấp lùn vì bỏ lỡ “khung giờ vàng” tuyến yên sản sinh ra nhiều nội tiết tố tăng trưởng. Điều này đang diễn ra mỗi ngày trên khắp Việt Nam và ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chiều cao của trẻ.
Các nguyên nhân khác gây ảnh hưởng đến chiều cao người Việt Nam
Khí hậu: Nếu tìm hiểu danh sách các quốc gia cao nhất và thấp nhất Thế Giới, không khó để nhận ra những quốc gia có chiều cao trung bình cao nhất đều tập trung ở Bắc Âu và Trung Âu – Khu vực có khí hậu ôn đới, mát mẻ vào mùa hè và mùa đông có tuyết rơi.
Những quốc gia thấp nhất, trong đó có Việt Nam đều phân bố tại khu vực gần đường xích đạo với nền nền nhiệt cao. Điều này là cơ sở quan trọng để đánh giá sự ảnh hưởng của khí hậu đối với chiều cao trung bình. Khí hậu nóng nực là nguyên nhân gây ra các tình trạng chán ăn, tăng nguy cơ bệnh tật, cản trở hoạt động thể thao ngoài trời, khó ngủ ngon…
Ô nhiễm môi trường: Là quốc gia đang phát triển, Việt Nam đang chứng kiến quá trình mở rộng quy mô sản xuất của nhiều xí nghiệp, nhà máy trong lĩnh vực công nghiệp, khai thác, chế biến khoáng sản, tái chế kim loại…
Những hoạt động kinh tế này mang lại giá trị kinh tế cao, cải thiện GDP cho đất nước nhưng cũng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống như: Ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn… Trẻ em và thanh thiếu niên có hệ miễn dịch kém, chưa nhận thức rõ được các mối nguy hiểm vô hình này nên có thể phải gánh chịu nhiều tác động tiêu cực do ô nhiễm môi trường gây ra dẫn đến thường xuyên bị bệnh tật tấn công, thiếu không gian vui chơi, vận động… từ đó cũng ảnh hưởng rất xấu đến chiều cao.
Dân số và kế hoạch hóa gia đình: Tỉ lệ sinh tự nhiên của các vùng nông thôn Việt Nam ở mức cao hơn so với thành thị. Nhiều gia đình thậm chí sinh 5-10 người con vì thiếu kiến thức về phòng tránh thai hoặc mong muốn có con trai/con gái… Sinh nhiều con khiến kinh tế trong gia đình bị giảm sút đáng kể, việc chăm sóc dinh dưỡng, giáo dục con trong mỗi gia đình không thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra cũng tác động khá lớn đến sự tăng trưởng chiều cao của trẻ.
Cùng xuất phát điểm chiều cao với Việt Nam, Nhật – Hàn vươn lên mạnh mẽ
Trong số các yếu tố khiến người Việt thấp bé, Lamsaodecao chưa đề cập đến yếu tố di truyền. Di truyền cũng tác động đến 23% sự phát triển chiều cao tự nhiên. So với các quốc gia phương Tây, người phương Đông chúng ta có gen di truyền thấp hơn.
Điều này góp phần tạo ra sự chênh lệch hình thể khá rõ rệt khi một người phương Tây và một người phương Đông đứng cạnh nhau. Tuy nhiên, việc chiều cao người Việt vẫn liên tục lọt top thấp nhất Thế Giới chủ yếu đến từ thói quen chăm sóc sức khỏe chưa phù hợp bởi có các quốc gia châu Á cũng có gen di truyền thấp nhưng đã từng bước cải thiện và đạt được chiều cao trung bình tốt.
Hiện nay, Hàn Quốc và Nhật Bản đều nằm trong top các quốc gia cao nhất tại khu vực châu Á. Dù con số chiều cao này vẫn thấp hơn mức trung bình của Thế Giới nhưng so với Việt Nam đã có sự vượt trội rất lớn. Theo thống kế của tạp chí Dân số Thế Giới năm 2019, chiều cao trung bình của nam giới và nữ giới Hàn Quốc là 1m70,7 và 1m57,4 nam giới Nhật Bản hiện cao trung bình 1m72, nữ giới là 1m58.
Điều ngạc nhiên là cả Hàn Quốc và Nhật Bản trước đây chỉ có chiều cao trung bình tương đương, thậm chí thấp hơn người Việt. Vào những năm 1900, Hàn Quốc còn bị xem là quốc gia thấp lùn nhất Thế Giới khi nữ giới chỉ có chiều cao trung bình 1m42.
Nhật Bản vào những năm 1950, nam giới chỉ cao 1m50 và nữ giới là 1m49. Tuy nhiên, chỉ sau vài thập kỷ, cả hai quốc gia này đã có sự “lột xác” mạnh mẽ về tầm vóc, tốc độ tăng trưởng chiều cao nhanh và đến nay đều nằm trong nhóm cao nhất tại khu vực châu Á.
Đây là nguồn cảm hứng lớn cho Việt Nam trên con đường cải thiện chiều cao. Người Việt có thể nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, bí quyết tăng chiều cao thành công của Nhật – Hàn để cải thiện chiều cao và bước ra khỏi top các quốc gia thấp lùn của Thế Giới.
Việt Nam học được gì từ Nhật – Hàn để cải thiện chiều cao?
Các phương pháp tăng chiều cao của Nhật Bản hay Hàn Quốc là những bài học giá trị mà người Việt chúng ta cần học hỏi nếu muốn chiều cao trung bình nhanh chóng có sự cải thiện. Vậy, 2 quốc gia này đã cải thiện chiều cao bằng cách nào, Việt Nam cần làm gì để có thể thay đổi thứ hạng chiều cao của mình?
Áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học
Vì các nguyên nhân chủ quan, khách quan mà nhiều trẻ em Việt Nam bị thiếu hụt các vi chất quan trọng, cần thiết cho sự tăng trưởng chiều cao tự nhiên. Do đó, điều đầu tiên các bậc phụ huynh nên làm là xây dựng cho con một chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng để giảm thiểu nguy cơ thiếu hụt vi chất.
Chú trọng vào dinh dưỡng cũng là đối sách quan trọng trong chiến lược tăng chiều cao mà Nhật Bản và Hàn Quốc đã thực hiện. Hai quốc gia này ban hành những chính sách hướng dẫn người dân bổ sung dinh dưỡng theo chế độ ăn của phương Tây: Giảm lượng tinh bột, uống sữa, ăn phô mai, trứng…
Trẻ em Nhật Bản được uống sữa mỗi ngày khi đến trường, hàm lượng sữa thay đổi theo độ tuổi. Bữa sáng của trẻ em tại Nhật có nhiều món ăn giàu dinh dưỡng: Trứng chiên, phô mai, cá tuyết, cá hồi, rau xanh… giúp trẻ có đủ năng lượng cho một ngày học tập, vui chơi. Điều này cũng xảy ra tương tự tại Hàn Quốc. Thậm chí quốc gia này còn dành một phần ngân sách để nghiên cứu về chế độ dinh dưỡng, cách tăng chiều cao tốt nhất để áp dụng cho người dân nhằm nhanh chóng cải thiện chiều cao cho dân tôc.
Những bậc phụ huynh Việt nào đã và đang xem nhẹ bữa sáng của gia đình, của con cái, chỉ cho con ăn sáng qua loa cần nhanh chóng thay đổi thói quen này, chuẩn bị cho con một bữa ăn sáng giàu dinh dưỡng để con có thể thoải mái học tập, vui chơi.
Các con cần ăn đủ bữa, ăn đa dạng dinh dưỡng, đặc biệt là nhóm rau xanh và trái cây tươi vì đây là nguồn bổ sung vi chất dồi dào cho cơ thể. Chế độ dinh dưỡng khoa học còn bao gồm cả việc giảm thiểu tần suất cũng như hàm lượng các thực phẩm cản trở sự tăng trưởng chiều cao như: Nước ngọt có ga, bánh kẹo, thức ăn nhanh…
Tập thể thao thường xuyên
Tại Nhật Bản phát triển rất mạnh mô hình câu lạc bộ thể thao học đường với mục tiêu mọi học sinh khi đến trường đều được rèn luyện thể chất hợp lý. Giáo viên Nhật khuyến khích học sinh rời khỏi chỗ ngồi tham gia các hoạt động thể thao trong giờ ra chơi thay vì ngồi tại chỗ. Chính những yếu tố này đã góp phần vào sự tăng trưởng chiều cao trung bình ngoạn mục của người dân Nhật Bản, thoát khỏi top các quốc gia thấp lùn của Thế Giới.
Các trường học tại Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ người Nhật, áp dụng vào thực tiễn để giúp học sinh rèn luyện thói quen vận động, tích cực tập luyện thể dục thể thao, vừa tốt cho sức khỏe vừa hỗ trợ chiều cao tăng trưởng nhanh, từ đó sớm cái thiện được chỉ số chiều cao trung bình của người việt nam theo độ tuổi.
Mỗi trẻ em nên tham gia tập luyện ít nhất 1 bộ môn hỗ trợ chiều cao tăng trưởng tốt như: Bơi lội, bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, yoga, chạy bộ… ngay từ nhỏ và đặc biệt là trong thời kỳ dậy thì để kích thích quá trình khoáng hóa và mô hình hóa xương khớp. Tần suất vận động phù hợp là 1 tiếng/ngày, ít nhất 4 tiếng/tuần. Với các bộ môn đòi hỏi kỹ thuật, bố mẹ nên cho trẻ tập luyện tại các trung tâm dạy thể thao, năng khiếu ít nhất trong thời gian đầu để trẻ làm quen với các kỹ thuật cần thiết, giảm nguy cơ chấn thương khi vận động.
Ngủ sớm và ngủ đủ giấc
8 tiếng dành cho giấc ngủ mỗi ngày không chỉ giúp cơ thể nghỉ ngơi, thư giãn, khôi phục năng lượng mà còn tạo điều kiện thuận lợi để chiều cao phát triển tốt. Do đó, thay vì ép con phải thức khuya, dậy sớm để học bài, bố mẹ nên động viên con đi ngủ sớm trước 22h, ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, sắp xếp thời gian học hợp lý để vừa đảm bảo kết quả học tập vừa giúp chiều cao phát triển thuận lợi.
Bố mẹ cũng nên kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị điện tử, Internet của con, không để trẻ bị sa đà vào thế giới ảo mà bỏ bê học hành, ăn uống, nghỉ ngơi.
Chuẩn bị cho con một không gian nghỉ ngơi thoải mái cũng giúp con có được giấc ngủ ngon hơn, có lợi cho sự phát triển chiều cao tự nhiên. Phòng ngủ cần phải sạch sẽ, gọn gàng, không có tiếng ồn lớn hay ánh sáng tự nhiên gây ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ của con. Hạn chế tối đa việc để con ngủ chung giường với bố mẹ hoặc anh chị em.
Ngoài ra, nên hướng dẫn con ngủ đúng tư thế, nằm ngửa, tay chân duỗi thẳng, hạn chế nằm sấp, nằm nghiêng và co gập tay chân khi ngủ sẽ cản trở sự phát triển của hệ xương.
Hạn chế sử dụng chất kích thích
Các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá có tác động tiêu cực đối với quá trình phát triển chiều cao, tuy nhiên người Việt hiện đang nằm trong top các quốc qua có lượng tiêu thụ bia rượu cũng như thuốc lá. Vậy nên để có thể giúp cải thiện chiều cao hiệu quả thì các bạn trẻ cần ý thức được tác hại của chất kích thích đối với sức khỏe và chiều cao, từ đó hạn chế sử dụng.
Sử dụng sản phẩm bổ sung dinh dưỡng
Dù nhận thức được tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sức khỏe, chiều cao nhưng nhiều bậc phụ huynh vì đặc thù công việc khó có thể làm tốt việc xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học cho con mỗi ngày. Với các trường hợp này, sử dụng thêm sản phẩm bổ sung dinh dưỡng bên cạnh chế độ ăn uống hằng ngày là rất cần thiết để cung cấp dinh dưỡng giúp chiều cao phát triển thuận lợi.
Sản phẩm bổ sung dinh dưỡng chứa nhiều vi chất cần thiết cho chiều cao, collagen type II – thành phần quan trọng trong cấu trúc sụn khớp, giúp hệ xương khớp dẻo dai hơn cùng nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe người dùng. Do đó, sử dụng dòng sản phẩm này, trẻ không những có thể cải thiện được chiều cao mà còn có sức khỏe tốt hơn.
Đây cũng là một trong những bí quyết giúp người Nhật Bản, Hàn Quốc cải thiện chiều cao thành công. Nhật Bản còn được xem là cái nôi của ngành sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung. Tuy nhiên, Mỹ lại được xem là quốc gia gặt hái được nhiều thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu sản phẩm bổ sung dinh dưỡng.
Các sản phẩm của Mỹ được đánh giá cao về công thức khoa học, nguồn nguyên liệu đảm bảo, được các cơ quan uy tín như FDA kiểm định và cấp phép trước khi có mặt trên thị trường. Do đó, các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng của Mỹ được nhiều bậc phụ huynh tin chọn để cải thiện chiều cao cho con em mình.
Chiều cao khiêm tốn là một trong những hạn chế của người Việt, nhất là khi đứng cạnh các “cường quốc chiều cao”. Do đó, tích cực áp dụng các giải pháp cải thiện chiều cao khoa học rất cần thiết và phải được thực hiện một cách đồng bộ, nghiêm túc nhằm sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia thấp lùn nhất Thế Giới.
Trên đây là một số thông tin về chiều cao trung bình của người Việt cũng như những mẹo đơn giản và hiệu quả giúp bạn có thể cải thiện chiều cao nhanh chóng. Để cập nhật thêm các bài viết hữu ích khác về tăng chiều cao thì bạn hãy theo dõi Lamsaodecao.com mỗi ngày nhé
- Tin liên quan: Làm thế nào để tăng chiều cao tuổi dậy thì?