Sức khỏe của xương khớp rất quan trọng với quá trình phát triển chiều cao. Việc kiểm tra tình trạng xương khớp, đặc biệt là mật độ xương giúp bạn nắm được tình hình và có cách cải thiện tốt hơn. Vậy mật độ xương là gì? Làm thế nào để tăng mật độ xương nếu kết quả hiện tại đang không tốt?
Xương hấp thụ dưỡng chất từ thực phẩm trong chế độ ăn uống hằng ngày. Tùy vào cơ chế hấp thụ ở mỗi người, lượng dưỡng chất khác nhau cũng quyết định mật độ xương ở mỗi người. Dựa vào mật độ xương mà sự phát triển ở xương cũng khác biệt.
Mật độ xương là gì?
Mật độ xương (hay mật độ khoáng của xương) là lượng chất khoáng có trong mô xương. Mật độ xương thể hiện sức khỏe xương khớp, cùng với khối lượng xương để kiểm tra một số tình trạng như:
- Nguy cơ loãng xương, gãy xương, hoặc những tổn thương khác ở cơ quan này.
- Khả năng phát triển chiều cao (nếu bạn còn trong độ tuổi tăng trưởng chiều cao).
- Có kế hoạch điều trị, cải thiện tình hình.
Mật độ xương tốt đồng nghĩa với việc xương chắc khỏe, và ngược lại nếu mật độ xương thấp thì xương không đạt đủ khoáng chất cho quá trình nuôi dưỡng. Những trẻ có mật độ xương thấp thường thấp bé, khó đạt chiều cao lý tưởng. Người trưởng thành có mật độ xương thấp thì nguy cơ loãng xương rất cao.
Mật độ xương tác động đến chiều cao như thế nào?
Xương được cấu tạo từ 2 thành phần chính là protein và một số khoáng chất quan trọng. Như vậy, mật độ xương thể hiện hàm lượng khoáng chất được đưa vào cơ thể nuôi dưỡng xương. Mật độ xương cũng phản ánh khối lượng xương trong cơ thể, đây là con số quyết định khả năng cao lên của trẻ em và thanh thiếu niên.
Dựa vào hàm lượng chất khoáng nạp vào mỗi ngày thông qua chế độ ăn uống, thuốc tăng chiều cao và sự can thiệp của thói quen vận động, mật độ xương của trẻ sẽ có thay đổi thường xuyên. Trẻ cao lên nhờ sự tái tạo các lớp sụn khớp, khối lượng xương, mật độ xương cao. Nếu mật độ xương không đạt mức yêu cầu, xương không có đủ điều kiện phát triển để kéo dài giúp cao lên.
Mối liên quan giữa mật độ xương thấp và bệnh loãng xương
Tiến sĩ John Ioannidis (Trường Đại học Y Stanford): “Trong thực tế, có thể có 500 hoặc nhiều biến thể gen điều chỉnh chứng loãng xương. Mỗi biến thể truyền tải một lượng nhỏ rủi ro hoặc lợi ích. Bạn không thể dự đoán chính xác ai sẽ hoặc sẽ không bị gãy xương chỉ dựa vào gen”.
Mật độ xương thấp kéo theo khối lượng xương giảm, đây là một trong những nguyên nhân khiến bạn đối mặt với nguy cơ loãng xương. Khi mật độ xương giảm quá mức cho phép, khả năng loãng xương khó tránh khỏi, thậm chí bạn dễ bị gãy xương dù chỉ là va chạm nhẹ.
Những yếu tố ảnh hưởng đến mật độ xương
Di truyền
Mặc dù không phải là toàn bộ nguyên nhân nhưng di truyền cũng ảnh hưởng một phần đến mật độ xương của mỗi người. Nghiên cứu cho thấy những người có làn da sẫm màu có mật độ xương tốt hơn người da trắng, nguy cơ loãng xương ở người da đen thấp hơn nhóm người còn lại.
Độ tuổi
Mật độ xương giảm theo độ tuổi tăng dần, trong khi chứng gãy xương, loãng xương lại tỷ lệ thuận với độ tuổi. Sở dĩ có sự thay đổi này do chức năng thận suy giảm, mức độ hấp thụ canxi, vitamin D cũng như các khoáng chất tốt cho xương cũng không còn tốt theo thời gian.
Chế độ dinh dưỡng
Chế độ ăn không đảm bảo đầy đủ các nhóm chất: Protein, canxi, vitamin D, collagen, photpho, magie, kẽm… sẽ không thể giúp bạn đạt đỉnh về khối lượng xương cũng như mật độ khoáng xương. Tuy nhiên, hàm lượng dưỡng chất cũng cần được tính toán hợp lý. Ví dụ, một chế độ ăn thiếu protein làm giảm mật độ xương thì một bữa ăn quá nhiều protein cũng khiến mật độ này giảm xuống.
Thói quen vận động
Việc vận động kích thích hình thành xương mới, tăng khối lượng và mật độ xương. Thói quen vận động mỗi ngày giúp giảm nguy cơ mất xương, duy trì sức khỏe xương. Ngược lại, những người lười vận động sẽ khó đạt được mật độ khoáng tiêu chuẩn, dễ mắc các thương tổn ở cơ quan này.
Các yếu tố khác
Những người đang sử dụng thuốc trị bệnh cũng có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, cụ thể là mật độ xương. Một số loại chất kích thích (thuốc lá, rượu, bia…) cũng gây biến đổi chất trong cơ thể, làm gián đoạn quá trình tăng trưởng. Người mắc bệnh về đường tiêu hóa, gan, thận, dạ dày… cũng khó đạt được mật độ xương chuẩn.
Làm thế nào để kiểm tra mật độ xương?
Kiểm tra mật độ xương là gì?
Kiểm tra mật độ xương là xét nghiệm duy nhất có thể chẩn đoán loãng xương trước khi xảy ra gãy xương. Thử nghiệm này giúp ước tính mật độ xương và khả năng bị gãy xương. Một số người gọi đây là xét nghiệm đo khối lượng xương.
Thử nghiệm này ước tính số lượng xương ở hông, cột sống và cũng có thể là các xương khác. Kết quả xét nghiệm của bạn sẽ giúp các chuyên gia y tế đưa ra khuyến nghị phù hợp giúp bạn bảo vệ xương của mình.
Đối tượng cần đo mật độ xương
- Trẻ em và thanh thiếu niên có vóc dáng thấp bé muốn kiểm tra mật độ xương để lên kế hoạch tăng chiều cao hợp lý.
- Người vừa bị gãy xương.
- Người thường xuyên đau nhức cơ xương khớp.
- Người ở độ tuổi trung niên (từ 50 tuổi trở lên).
- Phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh.
Cách đo mật độ xương
Kiểm tra bằng máy DXA
Các chuyên gia y tế khuyến nghị kiểm tra mật độ xương hông và cột sống bằng máy DXA (phép đo hấp thụ tia X năng lượng kép) để chẩn đoán loãng xương. Trường hợp không thể kiểm tra ở những vị trí trên, DXA có thể thực hiện ở xương bán kính ở cẳng tay.
Việc kiểm tra được thực hiện trên xương hông và cột sống do đây là hai vị trí dễ bị thương tổn nhất, đồng thời mức độ nghiêm trọng cao và khó phục hồi nhất. Mật độ xương ở hai nơi này cũng dự đoán được mức độ tổng thể toàn hệ xương. DXA là phương pháp kiểm tra mật độ xương nhanh và chính xác nhưng buộc bạn phải đến cơ sở y tế chuyên khoa.
Xét nghiệm sàng lọc
Ngoài DXA, bạn có thể thực hiện xét nghiệm sàng lọc hay còn gọi là xét nghiệm ngoại vi ở cánh tay dưới, cổ tay, ngón tay, ngón chân. Có 3 kiểu xét nghiệm sàng lọc tiêu biểu nhất:
- pDXA (phép đo hấp thụ tia X năng lượng kép ngoại vi)
- QUS (siêu âm định lượng)
- pQCT (chụp cắt lớp vi tính định lượng ngoại vi)
Ở một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm bằng cả hai cách để có được kết quả chính xác, đầy đủ.
Cách tăng mật độ xương tự nhiên
Ăn nhiều rau
Rau là loại thực phẩm chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và ít calo. Rau lá xanh và vàng là hai loại chứa nhiều vitamin C giúp bảo vệ sức khỏe của xương. Chế độ ăn được bổ sung đầy đủ rau giúp xương có dưỡng chất để phát triển, đồng thời tăng mật độ xương và tăng khối lượng xương.
Nạp nhiều canxi
Canxi là thành phần chính trong cấu trúc xương, cần được đáp ứng đúng nhu cầu hằng ngày để đảm bảo sự phát triển ở xương. Việc bổ sung canxi qua thực phẩm ăn uống hằng ngày là cách đơn giản nhất. Hải sản (các loại cá, tôm, cua…), rau xanh (đặc biệt là cải xoăn), đậu, bơ, trứng… là những loại thực phẩm giàu canxi.
Ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin D, K
Như Lamsaodecao đã nói, vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi, đảm bảo không gây ra các tình trạng lắng đọng, dư thừa, Trong khi đó, vitamin K (đặc biệt là vitamin K2) lại đóng vai trò vận chuyển, giúp khoáng chất liên kết với xương, từ đó tăng mật độ xương tự nhiên và nhanh chóng.
Nạp đủ protein
Protein là thành phần không thể thiếu nếu muốn phát triển và duy trì mật độ xương. Nếu muốn tăng mật độ xương tự nhiên và hiệu quả, hãy chú ý chế độ ăn đảm bảo đầy đủ protein mỗi ngày. Protein cũng giúp tăng cường sức khỏe xương, tạo điều kiện tốt để xương phát triển.
Ăn nhiều omega-3
Acid béo omega-3 tham gia vào quá trình duy trì mật độ xương, đồng thời nâng cao sức khỏe xương khớp. Omega-3 có nhiều trong cá hồi, cá thu, quả hạch, các loại hạt… Đây là những thực phẩm có thể ăn hằng ngày để đảm bảo nhu cầu omega-3 nuôi dưỡng xương.
Chế độ ăn có magie và kẽm
Giống như canxi, magie và kẽm cũng tham gia vào quá trình phát triển xương khớp, tăng mật độ xương và ngăn chặn khả năng gãy xương. Sự xuất hiện của magie giúp kích hoạt vitamin D để tăng khả năng hấp thụ canxi vào xương. Đồng thời kẽm tồn tại trong xương, thúc đẩy xương phát triển và giúp ngăn ngừa xương bị gãy.
Duy trì cân nặng hợp lý
Trọng lượng cơ thể quá lớn sẽ tạo sức ép lên cơ xương khớp, gây ra các tổn thương ở xương, dễ kéo theo nguy cơ gãy xương. Duy trì cân nặng ở mức hợp lý giúp xương được giảm bớt căng thẳng, duy trì sức khỏe xương, tránh làm giảm mật độ và khối lượng xương. Những người thừa/thiếu cân dễ mắc các bệnh về xương hơn, do đó, hãy giữ một mức cân nặng phù hợp với vóc dáng hiện tại.
Hạn chế sử dụng chất kích thích
Thuốc lá là một loại chất kích thích nguy hại cho sức khỏe, gây ra các vấn đề về hô hấp và cũng kéo theo nhiều thương tổn ở xương như loãng xương, gãy xương… Ngoài ra, những người thường xuyên uống bia, rượu cũng khiến việc hấp thụ canxi kém, giảm mật độ xương và dễ loãng xương sau này.
Tập thể dục
Thói quen tập luyện thể dục thể thao giúp duy trì cấu trúc xương hiện tại, đồng thời kích thích tái tạo xương mới, tăng mật độ xương. Một nghiên cứu về mật độ xương ở trẻ em mắc bệnh tiểu đường loại 1 cho thấy việc tham gia vào hoạt động thể chất giúp phát triển xương và cải thiện mật độ xương rõ rệt.
Mật độ xương phản ánh tình hình khối lượng xương, sức khỏe xương khớp hiện tại. Mật độ xương cũng quyết định khả năng phát triển chiều cao của trẻ em và thanh thiếu niên, đồng thời là dấu hiệu của nguy cơ loãng xương. Việc kiểm tra mật độ xương giúp bạn sớm có kế hoạch thay đổi thói quen sinh hoạt để duy trì mức chuẩn, tạo điều kiện tăng trưởng toàn diện.