Gù lưng là tình trạng xương dễ bắt gặp ở mọi độ tuổi, đặc biệt là những người thường xuyên thực hiện sai tư thế. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh gù lưng còn mang đến tâm lý mặc cảm do vẻ ngoài “kém duyên”. Trong bài viết này, hãy cùng Làm sao để cao tìm hiểu những ảnh hưởng của bệnh gù lưng đến chiều cao và ngoại hình của bạn như thế nào nhé.
Bệnh gù lưng là gì?
Bệnh gù lưng hay còn gọi là gù cột sống, là hiện tượng lưng trên bị cong quá mức (hơn 45 độ) về phía trước. Ở trẻ sơ sinh, trẻ em hoặc thanh thiếu niên, gù lưng có thể xuất hiện do dị tật cột sống hoặc khớp xương cột sống bị chèn ép theo thời gian. Ở người lớn, bệnh gù lưng thường do xương cột sống yếu khiến chúng bị nén hoặc gãy.
Bệnh gù lưng được chia thành 3 loại phổ biến gồm:
- Gù tư thế: Là tình trạng cột sống có thể cong hơn 50 độ.
- Gù lưng Scheuermann: Đặc trưng bởi hình nêm trên lưng do các đốt sống tạo thành. Nó sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi cột sống phát triển. Loại gù lưng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em và thanh thiếu niên.
- Gù lưng bẩm sinh: Đặc trưng bởi một đường cong ra ngoài của cột sống, xuất hiện ngay khi mới sinh. Khi người này lớn lên, độ cong ra bên ngày sẽ ngày càng rõ rệt.
Bệnh gù lưng mức độ nhẹ có thể gây ra một số vấn đề. Ngược lại, mức độ nặng có thể gây đau và biến dạng. Tùy thuộc vào độ tuổi, nguyên nhân và hậu quả của việc cong vẹo mà các phương pháp điều trị được đề xuất sẽ khác nhau.
Xem thêm: Làm việc nặng có ảnh hưởng đến chiều cao
Dấu hiệu nhận biết bệnh gù lưng
Trong phần lớn trường hợp, bệnh gù lưng mức độ nhẹ không xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào. Cho đến khi tình trạng bệnh tiến triển, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như đau nhức vùng lưng, cứng khớp.
Các dấu hiệu phổ biến của bệnh gù lưng theo nhận định của bác sĩ xương khớp như sau:
- Dáng người đổ hẳn về phía trước, xuất hiện cục bướu trên lưng (Có thể quan sát bằng cách nhìn người bệnh từ phía bên trái hoặc bên phải).
- Xuất hiện các cơn đau lưng với nhiều mức độ khác nhau (đau âm ỉ, đau nhói, nhức mỏi, đau dữ dội,…).
- Gặp khó khăn trong việc di chuyển, đặc biệt là khả năng đứng thẳng người.
- Giảm chiều cao, ảnh hưởng đến vẻ ngoài.
Trong một số trường hợp, người bị bệnh gù lưng sẽ mất cảm giác hoặc cảm thấy yếu, tê cứng, ngứa ran ở chân.
Nguyên nhân của bệnh gù lưng xuất phát từ đâu?
Một số nguyên nhân của bệnh gù lưng có thể xuất phát từ:
- Gãy xương: Các đốt sống bị gãy có thể dẫn đến tình trạng cong vẹo cột sống. Gãy do nén, có thể xảy ra phổ biến nhất ở xương yếu.
- Loãng xương: Đặc trưng bởi tình trạng mất mật độ, khiến xương bị yếu, từ đó dẫn đến gãy xương do nén. Tình trạng này phổ biến nhất ở phụ nữ lớn tuổi và người già.
- Thoái hóa đĩa đệm: Đĩa đệm nằm giữa các đốt sống giúp giảm sốc. Khi tuổi tác tăng lên, những đĩa đệm này sẽ xẹp xuống và co lại, điều này làm tình trạng gù lưng thêm tồi tệ.
- Bệnh Scheuermann: Căn bệnh này thường bắt đầu trong giai đoạn phát triển vượt bậc của trẻ em và thanh thiếu niên. Song song với sự phát triển của hệ xương, tình trạng gù lưng cũng tăng dần.
- Dị tật bẩm sinh: Sự phát triển cột sống không bình thường của thai nhi trong bụng mẹ cũng khiến chúng bị gù lưng khi sinh ra. Nguyên nhân được xác định là liên quan đến một số bệnh lý, chẳng hạn hội chứng Ehlers-Danlos.
- Thói quen thực hiện tư thế sai: Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng gù lưng ở trẻ em và thanh thiếu niên. Thực hiện sai tư thế về lâu dài sẽ thành thói quen, xương cũng dần phát triển theo cấu trúc mới. Không chỉ vậy, tư thế sai còn dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Bệnh gù lưng có ảnh hưởng đến chiều cao không?
Bệnh gù lưng không chỉ có ảnh hưởng đến chiều cao, mà còn ảnh hưởng một cách rất nghiêm trọng. Tác động của căn bệnh này đối với trẻ em chính là kiềm hãm sự phát triển chiều cao tự nhiên, khiến chúng khó đạt được chiều cao lý tưởng theo độ tuổi. Trong khi đó với người trưởng thành, gù lưng làm giảm chiều cao hay nói cách khác là mất khoảng vài cm chiều cao.
Bệnh gù lưng kìm hãm sự phát triển chiều cao
Trẻ em và thanh thiếu niên bị gù lưng có thể không đạt được chiều cao tiêu chuẩn mà di truyền đã xác định. Điều này là do sự tác động của bệnh đến các yếu tố quyết định chiều cao như sức khỏe xương, khả năng dung nạp dinh dưỡng, khả năng vận động và thời gian nghỉ ngơi.
Một hệ xương chắc khỏe là điều kiện cần thiết để tăng trưởng chiều cao. Thế nhưng với người bị gù lưng, khối lượng và mật độ xương đều giảm đi, cột sống bị ăn mòn. Dưỡng chất nạp vào khi này có thể được cơ thể dùng để sửa chữa những tổn thương hơn là phát triển xương.
Bệnh gù lưng cũng có thể chèn ép đường tiêu hóa, gây ra các vấn đề như trào ngược axit, khó nuốt. Việc ăn uống trở nên khó khăn khiến cơ thể không có đủ dinh dưỡng để cung cấp cho xương. Song song đó, những ảnh hưởng đến sự cân bằng của cơ thể, sự linh hoạt và phạm vi chuyển động của các khớp sẽ khiến việc vận động, tập luyện thể thao tăng chiều cao khó khăn hơn.
Cuối cùng, những cơn đau nhức người do gù lưng xuất hiện thường xuyên, sẽ khiến bạn khó có giấc ngủ ngon.
Bệnh gù lưng có thể gây mất chiều cao “vĩnh viễn”
Khi bệnh gù lưng xuất hiện có nghĩa là cấu trúc xương đã bị thay đổi. Nếu quan sát những người bị gù lưng, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy phần vai của họ luôn bị thấp hơn so với thông thường. Thậm chí khi nhìn từ phía sau, bạn sẽ không thể nhìn thấy phần cổ.
Theo kết quả từ các cuộc khảo sát, chiều cao tự nhiên của cơ thể sẽ tăng thêm khoảng 1 – 2cm nếu bạn duy trì được tư thế thẳng lưng. Ngược lại, những người bị gù lưng sẽ mất đi khoảng 4 – 6cm chiều cao. Điều này cũng tạo ra những hiệu ứng chẳng mấy tích cực đối với vóc dáng.
Cách chữa bệnh gù lưng như thế nào hiệu quả?
Hầu hết các trường hợp gù lưng đều không cần điều trị. Đối với trường hợp gù lưng do tư thế sai, cách điều trị hữu hiệu chính là cải thiện tư thế. Trong trường hợp bị gù lưng do đốt sống có hình dạng bất thường (gù lưng Scheuermann), việc điều trị phụ thuộc vào các yếu tố như độ tuổi, giới tính, mức độ nghiêm trọng của đường cong.
Sử dụng thuốc giảm đau
Các loại thuốc không kê đơn như Acetaminophen (tylenol, những loại khác), Ibuprofen (Advil, Motrin IB) hoặc Naproxen sodium (Aleve) sẽ làm giảm những cơn đau nhức do gù lưng gây ra. Trong trường hợp không nhận thấy hiệu quả, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để được kê toa liều mạnh hơn.
Tập thể dục – Vật lý trị liệu
Những bài tập giúp tăng cường cơ cốt lõi, kéo giãn cơ thể như yoga, pilates, một số môn võ thuật cũng có thể giúp ích cho tình trạng bệnh của bạn. Hãy dành khoảng 30 – 45 phút mỗi ngày để vận động cơ thể. Điều quan trọng nhất là nhớ tập đúng kỹ thuật và vừa sức nhé.
Đeo nẹp lưng
Thanh thiếu niên bị gù lưng mức độ nhẹ đến trung bình nên đeo nẹp lưng. Bằng cách này, xương vẫn sẽ phát triển bình thường và đồng thời ngăn ngừa tình trạng cong cột sống trở nên tồi tệ hơn.
Trong thời gian ban đầu, bạn có thể không quen với điều này, nhưng sẽ được cải thiện trong thời gian tiếp theo. Các loại nẹp lưng hiện nay đều có thiết kế thông minh. Vậy nên bạn hoàn toàn có thể đeo nó ngay trong lúc tập luyện thể thao.
Lưu ý: Phương pháp này không được khuyến nghị với người trưởng thành, vì nó không thể điều chỉnh vị trí cột sống về đúng cấu trúc do xương đã phát triển hoàn thiện.
Thực hiện phẫu thuật chữa gù lưng
Phẫu thuật có thể giảm đau và điều chỉnh hình dạng của lưng, nhưng nó có nguy cơ biến chứng khác cao. Phương pháp này thường được khuyến nghị cho những trường hợp bị gù lưng nặng nề với những biểu hiện như:
- Đường cong cột sống biểu hiện rất rõ rệt
- Đường cong gây ra cơn đau dai dẳng không thể kiểm soát bằng thuốc
- Đường cong làm gián đoạn các chức năng khác của cơ thể như hô hấp, tiêu hóa,…
- Đường cong có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không được phẫu thuật
Trong quá trình phẫu thuật, đường cong ở cột sống sẽ được làm thẳng bằng các thanh kim loại, vít và móc. Quy trình này có thể kéo dài từ 4 – 8 giờ. Bạn phải đeo nẹp lưng trong suốt quá trình hậu phẫu để hỗ trợ cột sống.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh gù lưng?
Để phòng ngừa bệnh gù lưng, giữ đúng tư thế trong mọi hoạt động là điều quan trọng nhất. Những hướng dẫn về tư thế dưới đây có thể mang lại lợi ích tối ưu đấy.
- Tư thế đi, đứng: Giữ đầu thẳng, hai vai cân đối, ngực hơi ưỡn ra phía trước.
- Tư thế ngồi: Giữ đầu thẳng, đầu gối vuông góc với hông, mắt nhìn thẳng.
- Khiêng, vác đồ vật: Ngồi thấp xuống sàn, hai tay bê đồ vật rồi từ từ duỗi chân và đứng thẳng, chú ý không cong lưng hay dồn lực vào lưng.
- Tư thế nằm: Ưu tiên tư thế nằm ngửa để cột sống được duỗi thẳng. Nếu thực hiện tư thế nằm nghiêng, hãy dùng chiếc gối mỏng hoặc gối ôm để kê tay và chân cho phù hợp.
Ngoài ra, tập luyện thể dục thể thao đều đặn cũng là một cách phòng ngừa bệnh gù lưng hữu hiệu.
Tuy gù lưng không phải là căn bệnh chết người nhưng nó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và gây ra tâm lý mặc cảm. Với trẻ em và thanh thiếu niên, tác động của bệnh này còn lớn hơn thế: Kìm hãm chiều cao, gây hiệu ứng xấu cho sức khỏe, tâm lý và hình ảnh cơ thể. Để tránh tình trạng này, hãy luôn chú ý đến tư thế cơ thể, tập luyện thể dục và có một chế độ dinh dưỡng tốt.