Sức đề kháng kém là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật, trong đó có tác động đến khả năng phát triển chiều cao. Làm thế nào để tăng sức đề kháng, giúp trẻ có điều kiện phát triển thể chất tối đa? Bài viết dưới đây của Lamsaodecao sẽ giúp các phụ huynh hiểu rõ hơn về tầm quan trọng này cũng như phương pháp thực hiện.
Sức đề kháng kém ảnh hưởng đến phát triển chiều cao?
Trẻ đang trong độ tuổi phát triển có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ bị tác động bởi môi trường sống, thời tiết, thói quen sinh hoạt… Tỷ lệ ốm vặt của trẻ cao hơn người trưởng thành, đây cũng là biểu hiện của sức đề kháng kém, dần dần thể trạng trẻ không thật sự khỏe mạnh. Sức đề kháng kém tạo nên một vòng luẩn quẩn bệnh tật ở trẻ, kìm hãm tăng trưởng về mặt thể chất, đặc biệt là chiều cao
Sức đề kháng kém khiến quá trình trao đổi chất diễn ra chậm, việc chuyển hóa năng lượng cũng khó khăn. Lúc này, cơ thể trẻ khó hấp thụ dinh dưỡng để đảm bảo các cơ quan cơ xương khớp phát triển toàn diện. Mặt khác, tình trạng này cũng khiến cơ thể thường xuyên bị xâm nhập bởi các tác nhân gây hại từ bên ngoài như virus, vi khuẩn…
Lý giải về chất lượng sức đề kháng ảnh hưởng đến tốc độ phát triển chiều cao, các chuyên gia y tế giải thích như sau:
Một đứa trẻ có sức đề kháng yếu, thường xuyên ốm vặt, đồng nghĩa với việc sử dụng thuốc kháng sinh nhiều lần dẫn đến rối loạn đường ruột. Như vậy những trẻ này khó hấp thụ dưỡng chất, có khả năng suy dinh dưỡng hoặc còi cọc, không có điều kiện để phát triển về mặt chiều cao.
Một đứa trẻ khỏe mạnh, hệ miễn dịch tốt sẽ hiếm khi bị bệnh, khả năng hấp thụ dinh dưỡng tốt. Cơ thể trẻ sau khi tiếp nhận các dưỡng chất quan trọng tham gia vào quá trình nuôi dưỡng cơ xương khớp sẽ thúc đẩy tăng trưởng chiều cao nhanh chóng, tự nhiên.
5 phương pháp tăng cường sức đề kháng cho trẻ
Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng
Bữa ăn hằng ngày của trẻ phải đủ các nhóm chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, rau củ quả. Bên cạnh đó, trẻ cần được tăng cường vitamin và khoáng chất như:
Vitamin C: Đây là vitamin quan trọng giúp sản xuất interferon – một loại protein có khả năng ức chế tổng hợp virus, đồng thời ngăn chặn sự xâm nhập của các vi khuẩn gây hại. Bạn có thể bổ sung vitamin C qua cam, quýt, ổi, bưởi, nho, ớt chuông, củ cải, súp lơ…
Vitamin E: Loại vitamin này bảo vệ màng tế bào không bị oxy hóa, tham gia vào quá trình chuyển hóa tế bào, giúp nâng cao hệ miễn dịch. Những thực phẩm giàu vitamin E: Dầu đậu nành, dầu oliu, dầu hướng dương, rau có màu xanh đậm, các loại hạt…
Vitamin D: Quá trình hoạt động ở hệ tiêu hóa, thần kinh, tuần hoàn và cả hệ miễn dịch đều có sự tham gia của Vitamin D. Ngoài việc tổng hợp vitamin D dưới da thông qua ánh nắng mặt trời, bạn có thể bổ sung vitamin D cho trẻ với hải sản, gan cá, lòng đỏ trứng gà, cá…
Vitamin A: Việc bổ sung có thể thực hiện bằng các món ăn có chứa vitamin A hoặc Beta-caroten (tiền chất của vitamin A) như: Gan động vật, lòng đỏ trứng, các loại rau củ có màu vàng cam (khoai tây, cà rốt, đu đủ, bí đỏ)…
Các khoáng chất khác: Selen, kẽm, sắt là những khoáng chất quan trọng không chỉ giúp tăng cường đề kháng mà còn tốt cho quá trình phát triển thể chất của trẻ. Khoáng chất này có nhiều trong tôm, cua, hàu, cá, bông cải xanh, rong biển, cải bó xôi, các loại hạt…
Vận động thường xuyên
Thói quen vận động mỗi ngày hỗ trợ cơ thể thực hiện trao đổi chất, chuyển hóa năng lượng, từ đó hệ miễn dịch được nuôi dưỡng và phát triển tốt. Việc tập luyện bài tập thể dục tại nhà, hoặc môn thể thao trẻ yêu thích vào lúc sáng sớm và chiều muộn sẽ thúc đẩy cơ thể trẻ hoạt động, thư giãn tâm lý, đồng thời tổng hợp thêm vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Đây là một trong những phương pháp tăng chiều cao hiệu quả dành cho trẻ đang trong độ tuổi phát triển.
Uống đủ nước
Nước đóng vai trò quan trọng trong hầu hết hoạt động của các cơ quan, tăng cường trao đổi chất, đặc biệt được xem là chất bôi trơn sụn khớp. 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày sẽ đáp ứng nhu cầu nước của cơ thể, uống nước đúng cách cũng giúp phát huy tối đa tác dụng của nước.
Hãy tập cho trẻ thói quen uống 1 ly nước ngay khi thức dậy buổi sáng, uống trước bữa ăn 10 – 15 phút, sau bữa ăn 30 phút, uống trong lúc tập luyện thể thao, khoảng 4 giờ chiều và 9 giờ tối.
Nghỉ ngơi hợp lý
Thời gian ngủ là lúc cơ thể tiến hành loại bỏ độc tố, trao đổi và chuyển hóa các chất. Bạn nên tập cho trẻ đi ngủ đúng giờ (9 – 10 giờ tối) để đảm bảo trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ. Ngoài ra, giấc ngủ trưa cũng quan trọng, 15 – 20 phút chợp mắt buổi trưa cũng giúp cơ thể tái tạo năng lượng cho những hoạt động buổi chiều.
Vệ sinh cá nhân sạch sẽ
Những tác nhân gây hại sẽ không thể xâm nhập nếu trẻ luôn giữ gìn thân thể sạch sẽ. Thói quen rửa tay trước và sau khi ăn, tắm gội mỗi ngày, giữ gìn môi trường xung quanh, vệ sinh nhà cửa… sẽ giúp trẻ tự bảo vệ mình trước vi khuẩn từ bên ngoài.
Trẻ còn chậm tăng chiều cao bởi những nguyên nhân nào?
Thiếu hormone tăng trưởng
Trong cơ thể có một loại hormone giúp phát triển chiều cao gọi là hormone tăng trưởng do tuyến yên sản sinh. Nguyên nhân khiến trẻ thiếu hormone tăng trưởng có thể do tổn thương tuyến yên, viêm màng não, nhiễm trùng… Thiếu loại hormone này cơ thể khó phát triển chiều cao, một số trường hợp nặng có thể gây suy nhược cơ thể.
Trẻ mắc một số bệnh lý nền
Một số trẻ mắc các bệnh lý nguy hiểm cũng làm chậm quá trình tăng chiều cao. Trẻ mắc hội chứng Down, Turner, suy tuyến giáp, thiếu máu hay các bệnh mạn tính ở hệ tiêu hóa, tim, thận, phổi sẽ ảnh hưởng xấu tới việc phát triển thể chất.
Suy dinh dưỡng ở giai đoạn bào thai
Thời kỳ bào thai là mở đầu của 3 giai đoạn “vàng” phát triển chiều cao của trẻ. Một số mẹ không ăn uống đủ chất khiến trẻ thiếu dinh dưỡng ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Khi chào đời, con nhẹ cân, ốm yếu, xanh xao hơn những đứa trẻ thông thường, cũng là nguyên nhân kìm hãm khả năng phát triển chiều cao.
Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo
Dinh dưỡng chiếm khoảng 32% quyết định chiều cao của một người. Nếu chế độ ăn uống không đầy đủ dinh dưỡng, trẻ dễ thiếu chất, cơ thể không có điều kiện nuôi dưỡng các cơ quan. Một chế độ ăn không đảm bảo là tác nhân khiến trẻ thấp còi, khó đạt chiều cao lý tưởng.
Trẻ lười vận động
Vận động cơ thể quyết định khoảng 20% chiều cao của trẻ. Những trẻ lười vận động đồng nghĩa với việc cơ xương khớp không được thúc đẩy hoạt động để phát triển, việc trao đổi chất cũng gặp khó khăn. Theo thời gian, nhóm trẻ này sẽ bị tụt về phía sau so với chiều cao của bạn bè cùng trang lứa chăm chỉ luyện tập.
Việc tăng cường sức đề kháng là điều kiện để trẻ phát triển thể chất toàn diện, sớm sở hữu chiều cao như mong muốn. Cha mẹ cần thay đổi chế độ chăm sóc khoa học, hợp lý để đảm bảo trẻ sức đề kháng kém trở nên tốt, chống chọi bệnh tật và tăng trưởng tốt nhất. Đồng thời, hãy hạn chế trẻ đối mặt với những nguyên nhân gây kìm hãm khả năng phát triển mà chúng tôi vừa chia sẻ nhé.