Chiều cao của con người phát triển từ khi còn trong bụng mẹ. Vì thế, tăng chiều cao cho trẻ sơ sinh là điều hoàn toàn có thể, nếu như mẹ biết cách chăm sóc, tạo tiền đề tốt cho con phát triển.
Trong giai đoạn 9 tháng bào thai, nếu mẹ bầu được đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng tốt, tăng cân từ 10- 20 kg thì chiều cao trung bình của bé khi ra đời là 50cm.
Đến ra đời, trẻ chính thức bước vào giai đoạn trẻ sơ sinh – đây là giai đoạn trẻ có tốc độ tăng trưởng chiều cao nhanh nhất. Trong năm đầu tiên bé sẽ tăng 25cm, 2 năm tiếp bé sẽ tăng lên 10cm mỗi năm trong điều kiện dinh dưỡng tốt.
Giai đoạn này cũng là giai đoạn quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ. Để hiểu rõ hơn về cách tăng chiều cao cho trẻ sơ sinh, hãy cùng tham khảo bài viết sau đây của lamsaodecao.com nhé!
Những giai đoạn quan trọng có thể giúp trẻ tăng chiều cao từ sớm
Để giúp con tăng chiều cao trong giai đoạn sơ sinh thì mẹ phải nắm bắt được các thời điểm phát triển của con để có chế độ dinh dưỡng cho phù hợp.
Giai đoạn khi mang thai
Bởi chiều cao của bé yêu phát triển từ khi còn trong bụng mẹ, vì vậy từ khi mang thai, mẹ cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cả mẹ và bé. Mẹ cần lên kế hoạch dinh dưỡng cho mình trước và trong khi mang thai, cơ thể luôn cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng thiết yếu sau:
Bổ sung axit folic (vitamin B9)
Axit folic hay còn gọi là Vitamin B9 – đây là một loại vitamin hết sức cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Mẹ cần uống acid folic với liều lượng thích hơp từ 3 tháng trước khi mang thai đến hết 3 tháng đầu của thai kỳ, để có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ thai nhi mắc các dị tật của ống thần kinh.
Loại dị tật này khá phổ biến ở thai nhi như tật nứt đốt sống gây liệt chi dưới, đại tiểu tiện không kiểm soát, mất cảm giác chi dưới hoặc nặng nề hơn như dị dạng thai vô sọ… những điều này đều ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển chiều cao của trẻ.
Vì vậy, ngoài việc bổ sung axit folic từ thực phẩm như giá đỗ, các loại rau có màu xanh sẫm như rau cải xanh, rau bina, các loại hạt, sữa, chuối… các mẹ cũngnên sử dụng thêm viên uống axit folic để bổ sung vitamin và dự phòng loại dị tật phổ biến và nghiêm trọng này. Liều lượng uống axit folic phổ biến hiện nay (được Bộ Y Tế Mỹ khuyên dùng) là 0,8mg (800 mcg)/ngày.
Bổ sung sắt
Sắt là một chất quan trọng tham gia vào thành phần của tế bào hồng cầu và đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển oxy. Trong thai kỳ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên bổ sung khoảng 30mg sắt nguyên tố mỗi ngày để dự phòng thiếu máu. Chính vì vậy, trong thời gian mang thai mẹ bầu cần được bổ sung thông qua các loại thực phẩm như rau ngót, thịt nạc, cá biển, rau muống…
Bổ sung Canxi
Canxi là một thành phần khoáng vô cùng quan trọng, ngoài việc tạo xương và răng, chất này còn tham gia quá trình vận động, tuần hoàn, dẫn truyền thần kinh. Khi mang thai, em bé không thể tự tổng hợp Canxi nên người mẹ chính là nguồn Canxi duy nhất cho bé. Nguồn canxi này sẽ được lấy chủ yếu từ xương và răng của mẹ.
Từ tuần thai thứ 29 trở đi bé sẽ lấy của mẹ trung bình 250 mg Canxi/ngày để phục vụ cho việc tạo xương, để tăng chiều cao. Vì vậy, bổ sung Canxi cho mẹ trong quá trình mang thai là điều rất cần thiết và phải được quan tâm hàng đầu.
Bên cạnh, chế độ ăn giàu Canxi, người mẹ cần được bổ sung thêm Canxi qua đường uống. Nếu như trước mang thai người mẹ cần khoảng 800 mg Canxi mỗi ngày để đảm bảo đủ lượng Canxi cho cơ thể thì trong khi sẽ cần khoảng từ 1000- 2000mg và không nên quá 2500 mg canxi nguyên tố mỗi ngày.
Để cơ thể hấp thu Canxi tốt nhất thì mẹ bầu cần uống với liều lượng và thời điểm thích hợp, cần bổ sung thêm vitamin D và K2 để đem lại hiệu quả cao nhất khi uống bổ sung viên Canxi.
Bổ sung các loại Vitamin và các yếu tố vi lượng
Phụ nữ chuẩn bị mang thai và trong khi mang thai cần có chế độ ăn uống cân bằng để đảm bảo có thể bổ sung vitamin từ thực phẩm hoặc viên uống, Vitamin A có nhiều trong gan cá biển, cà rốt, bí ngô, cà chua… Vitamin C trong các loại rau xanh, trái cây tươi… giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Bởi vì mẹ có khỏa thì con mới phát triển tốt, đặc biệt là phát triển tăng chiều cao.
Chế độ dinh dưỡng trước khi mang thai, trong quá trình mang thai là điều hết sức quan trọng đảm bảo sức khỏe toàn vẹn cho cả mẹ và bé, để giúp bé ra đời đạt được chiều cao tối ưu là 50cm. Chính vì vậy, chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu cần được các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng tư vấn chi tiết và cụ thể.
Giai đoạn sơ sinh
Đến giai đoạn sơ sinh trẻ cần thích nghi với môi trường sống. Dinh dưỡng cho trẻ là một biện pháp giúp trẻ thích nghi với tiêu hóa đường miệng, giảm nguy cơ mắc bệnh, hỗ trợ quá trình phát triển chiều cao tối ưu nhất. Chính vì vậy, trong 6 tháng đầu đời, để trẻ có thể phát triển toàn diện, trong đó có chiều cao thì mẹ nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn.
Vì sữa mẹ là nguồn thức ăn quan trọng nhất, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh và đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ. Hơn nữa, sữa mẹ giúp cho trẻ giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, tốt cho hệ tiêu hóa và giúp trẻ thông minh hơn.
Cho trẻ bú sữa mẹ sẽ tốt cho cả mẹ và bé. Cho trẻ bú sớm sẽ tạo điều kiện tốt kích thích tuyến sữa của mẹ sản xuất ra nhiều sữa và giúp tử cung mẹ co hồi tốt. Trong tháng đầu trẻ ăn 7-8 lần/ 24h, một số trẻ ăn kém hơn nên cho bú 2 giờ mỗi lần. Mẹ không nên cho trẻ bú bình vì trẻ sẽ quen với núm vú cao su sẽ không bú ti mẹ. Nhưng mà núm vú của mẹ bị tụt, hay quá bé, đã dùng “trợ ti” không hiệu quả thì chấp nhận cho trẻ bú bình.
Muốn trẻ bú tốt và thúc đẩy quá trình phát triển chiều cao tốt nhất trong giai đoạn này thì mẹ cần phải cho trẻ bú đúng. Tư thế của mẹ thoải mái nên ngồi cho con bú để dễ dàng theo dõi bé trong khi bú. Chỉ trong trường hợp mẹ còn mệt hay đau vết mổ thì mới nằm cho con bú.
Khi bú đúng, trẻ sẽ mút chậm, sâu, thỉnh thoảng ngừng lại và mẹ có thể nghe tiếng nuốt “ực”. Mẹ nên cho trẻ bú hết một bên vú rồi mới đổi bên vú để trẻ bú được cả sữa đầu và sữa cuối. Sau khi bú cần vỗ ợ hơi để tránh trẻ bị nôn trớ hay chướng bụng. Trong trường hợp, không đủ sữa mẹ có thể cho trẻ ăn thêm sữa công thức theo nhu cầu.
Sau 6 tháng, trẻ bước vào thời kì ăn dặm. Giai đoạn này là một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng đối với trẻ từ việc bú sữa mẹ hoàn toàn sang bữa ăn có một phần thực phẩm. Khi bé được cho ăn dặm đúng thời điểm, đúng cách, bé sẽ phát triển tốt và khỏe mạnh.
Mẹ nên làm gì để giúp trẻ sơ sinh tăng chiều cao hiệu quả
Muốn tăng chiều cao hiệu quả cho trẻ sơ sinh, ở mỗi giai đoạn, mẹ cần xây dựng chế độ dinh dưỡng, vận động, giấc ngủ… phù hợp cho bé.
Dinh dưỡng (sơ sinh)
Dinh dưỡng trong giai đoạn sơ sinh là điều khiến cho nhiều người mẹ lo lắng. Bởi ở giai đoạn này, hệ tiêu hóa của trẻ con non yếu, trẻ lại chưa ăn được nhiều thức ăn như người lớn. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ bước sang tháng thứ 6, mẹ nên cho bé ăn dặm, bởi lúc này sữa mẹ đã không còn cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể trẻ.
Cho bé dùng đồ ăn dặm trước khi dùng thức ăn chính, cho bé ăn cháo sữa ngũ cốc, sau đó mới cho bú mẹ hoặc bú bình. Tuy nhiên, nếu bé từ chối món ăn dặm nào đó thì không nên cố ép. Đôi khi để bé thích được mùi vị mới cha mẹ phải thử tới 10-15 lần. Cho bé ăn dặm 2 bữa khi đã thay thế hoàn toàn bữa thứ nhất.
Dù trẻ còn nhỏ, nhưng khi ăn dặm thì vẫn cần cho trẻ ăn đủ 4 nhóm thực phẩm đó là nhóm bột đường (gạo, bắp, khoai…); nhóm đạm (thịt, cá, trứng, tôm, cua, đậu…); nhóm rau, củ (các loại rau xanh, củ quả, như: khoai tây, cà rốt, bí đỏ…) và dầu mỡ để giúp hấp thu các vitamin tan trong chất béo, đồng thời làm cho chén bột mềm, dễ nuốt.
Thời kì ăn dặm của trẻ cũng cần phải chia nhỏ, được chia thành 3 giai đoạn đó là:
+ Giai đoạn ăn bột (bắt đầu từ 4 -8 tháng tuổi): Mẹ cho bé ăn bột dinh dưỡng đóng hộp. Những loại bột này cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho bé yêu.
+ Giai đoạn ăn cháo (bé được 9 – 10 tháng): Mẹ nên nấu cháo cho bé ăn, không chỉ dùng nước hầm xương không mà nên cho bé ăn cả xác thịt, cá, rau củ tán hoặc bằm nhỏ. Nếu cần xay nhuyễn hoặc rây thưa thì làm trước rồi mới nấu. Tránh nấu rồi mới đem xay hoặc tán sẽ mất chất.
+ Giai đoạn ăn cơm (từ sau 1 tuổi): Lúc này bé đã có gần đủ hàm răng để có thể nhai cơm. Cơm cần nấu mềm, các loại thịt, cá xé nhỏ, canh rau cắt ngắn để bé nhai không bị hóc.
Chỉ cần chăm bẵm trẻ tốt và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, trẻ sẽ tăng chiều cao rất nhanh trong giai đoạn này.
Vận động
Vì giai đoạn này trẻ còn nhỏ, do đó mẹ hãy massage cho bé. Massage đúng cách sẽ giúp cơ bắp trẻ rắn chắc khỏe mạnh, phát triển hệ xương, từ đó gia tăng chiều cao, thể lực và trí tuệ. Đối với từng độ tuổi cần có cách massage và cường độ thích hợp.
Bên cạnh đó, mẹ hãy khuyến khích trẻ vận động thật nhiều bằng cách quơ tay, đạp chân, lẫy, tập bò, tập đi… để các tế bào trong cơ thể hoạt động tích cực.
Giấc ngủ (sơ sinh)
Trẻ sơ sinh ngủ cần ngủ từ 13-16 tiếng/ngày để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển toàn diện. Trong lúc bé ngủ, não sẽ tiết ra hormone tăng trưởng giúp trẻ phát triển chiều cao. Hơn nữa, trẻ sơ sinh ngủ đủ giấc mỗi ngày sẽ phát triển não tốt hơn so với trẻ sơ sinh ngủ ít, hoặc thường xuyên ngủ không ngon giấc. Đặc biệt, việc trẻ sơ sinh ngủ nhiều, ngủ đủ giấc sẽ giúp trẻ sơ sinh tăng cường hệ miễn dịch, ít có nguy cơ phát triển bệnh. Tham khảo thêm thông tin chi tiết về tác động của giấc ngủ đối với chiều cao qua bài viết: “Giấc ngủ có tác động như thế nào đến chiều cao?“
Tắm nắng
Tắm nắng là một trong những giải pháp để giúp cơ thể tổng hợp đủ vitamin D, giúp trẻ hạn chế tình trạng còi xương, chữa chứng vàng da sơ sinh. Bên cạnh đó, việc tắm nắng cho trẻ còn giúp chữa chứng hăm tã vì ánh nắng mặt trời có tác dụng diệt khuẩn. Đặc biệt, vitamin D rất quan trọng đối với sự hấp thu Canxi, tăng trưởng và phát triển bình thường giúp duy trì sức khỏe xương của trẻ. Chính vì vậy, mẹ hãy cho trẻ sơ sinh tắm nắng để cơ thể luôn được tổng hợp đầy đủ vitamin D.
Vào mùa hè, trời nắng sớm, mặt trời chói chang, gay gắt nên mẹ hãy tranh thủ cho bé tắm nắng sớm để tránh tác hại của tia cực tím lên làn da non nớt và nắng nóng khiến bé bị nóng, khó chịu. Thời gian lý tưởng cho bé tắm nắng vào mùa hè là khoảng từ 6 – 7 giờ sáng.
Vào mùa đông, trời lạnh nên mẹ thường hạn chế cho bé yêu ra ngoài vì sợ bé sẽ bị cảm lạnh, viêm hô hấp… Hơn nữa, việc bé mặc quá nhiều quần áo ấm khi đi ra ngoài cũng khiến làn da của trẻ ít có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Hệ quả là bé có nguy cơ thiếu vitamin D trong mùa đông. Do đó, dù là mùa đông mẹ vẫn nên cho bé tăm nắng.
Nhưng mà mùa đông mặt trời lên muộn, ánh nắng lại yếu. Mẹ hãy đợi đến khi trời ấm hơn mới cho bé tắm nắng, thường là khoảng 8 giờ 30 đến 9 giờ. Mẹ hãy chọn nơi tắm nắng yên tĩnh, sạch sẽ, thoáng mát, tránh ánh nắng chiếu thẳng vào mắt bé.
Một số điều nên tránh để giúp trẻ sơ sinh tăng chiều cao hiệu quả
Cha mẹ nào cũng muốn con cao lớn khỏe mạnh, tuy nhiên, nếu mắc phải những sai lầm sau đây thì trẻ rất khó đạt được chiều cao lý tưởng như mong muốn.
Tránh thiếu hụt dinh dưỡng trong sữa mẹ
Về cơ bản, tất cả thức ăn đều sẽ qua sữa mẹ, thậm chí cơ thể của người mẹ còn kỳ diệu đến nỗi biết ưu tiên dinh dưỡng cho sữa mẹ trước, sau đó mới chuyển phần dinh dưỡng còn lại đến các cơ quan. Tuy nhiên, sữa mẹ nhiều chất hay không còn phụ thuộc rất lớn vào chế độ ăn uống của người mẹ.
Chính vì vậy, sau sinh 1 tuần là thời điểm phụ nữ sau sinh nên kiêng các thực phẩm quá nhiều dầu mỡ hoặc đồ ăn rắn chắc. Sau thời gian này thì có thể tự do ăn những thứ mà bản thân cảm thấy ngon miệng. Một số thực phẩm đặc biệt giàu dưỡng chất tốt cho sữa mẹ nên ăn là rau ngót, rau lang, rau đay, quả sung, dâu tây, vú sữa, các loại thịt, tôm cá và các loại sữa…
Chính vì vậy, mẹ không nên vội bước vào quá trình giảm cân ngay mà ăn kiêng, để cho sữa thiếu chất, khiến con còi cọc, chậm lớn, khó phát triển chiều cao.
Tránh tập ngồi hoặc đứng cho trẻ quá sớm
Là những người làm cha, làm mẹ, ai cũng mong muốn con mình lớn lên khỏe mạnh, phát triển nhanh và nhận thức tốt. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lại quá nôn nóng trong các giai đoạn phát triển của trẻ. Đặc biệt, việc tập đứng sớm sẽ có những hệ lụy không nhỏ lên hệ xương của trẻ. Thời gian thích hợp để bé tập đứng là khoảng tầm từ 8 -12 tháng. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh lại cho con tập đứng quá sớm.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, việc tập đứng cho trẻ quá sớm chính là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng chân vòng kiềng ở trẻ. Do xương cẳng chân của trẻ còn khá yếu, chưa thể đỡ được sức nặng cả cơ thể, đặc biệt là những trẻ quá bụ bẫm hoặc béo phì. Chân vòng kiêng không những ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, còn khiến cho trẻ tự ti khi lớn lên và không đạt được chiều cao tự nhiên vốn có. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý thời điểm thích hợp để tập đứng và đi cho trẻ.
Tránh làm trẻ giật mình khi ngủ
Giấc ngủ có vai trò rất lớn trong việc phát triển chiều cao ở trẻ. Tuy nhiên, nếu làm trẻ hay giật mình khi ngủ thì trẻ không thể ngủ sâu giấc, điều này làm gián đoạn quá trình tiết ra hormone tăng trưởng. Khiến trẻ không thể tận dụng được hết lượng hormone tăng trưởng tiết ra, làm cho quá trình tăng chiều cao gặp nhiều trở ngại.
Tránh cho trẻ ngủ muộn
Bình thường, trẻ phải đi ngủ trước 10 giờ tối, vì từ 10 giờ đến 1 giờ sáng là giai đoạn tăng tiết cao của hormone tăng trưởng của trẻ, khi giấc ngủ sâu sẽ càng thuận lợi cho sự phát triển chiều cao của trẻ. Tuy nhiên, nếu để trẻ duy trì thói quen ngủ muộn trong một thời gian dài, ngoài việc ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao thì còn ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ và khả năng học tập của trẻ sau này đồng thời cũng sẽ gây ra các vấn đề về sức khỏe tim mạch không đo đếm hết. Do đó, mẹ hãy cho trẻ đi ngủ sớm để tốt cho sức khỏe và sự phát triển chiều cao.
Tránh để trẻ nằm sấp khi ngủ
Với trẻ sơ sinh, phần đầu của bé to và nặng, trong khi đó sức đỡ của gáy chưa tốt nên bé khó có thể tự xoay mình. Vì vậy, khi nằm sấp bé rất dễ bị nghẹt thở do chăn, gối chặn vào mũi, khiến bé bị ngạt và dẫn đến đột tử nếu mẹ không trông nom con cẩn thận khi ngủ. Hơn nữa, tư thế nằm sấp ngủ làm cho bé rất khó duỗi tay chân, bé sẽ không thoải mái lăn trở, dễ dẫn đến tình trạng máu lưu thông kém và gây áp lực lên vùng bụng, khó phát triển chiều cao.
Không để đèn ngủ
Bật đèn khi ngủ có khả năng làm tăng nguy cơ bị bệnh trầm cảm, béo phì. Ngoài ra, ánh sáng chiếu vào cơ thể, theo phản ứng tự nhiên, cơ thể sẽ trở nên tỉnh táo hơn, thần kinh và giác quan sẽ đề cao cảnh giác, từ đó khiến bạn khó có thể ngủ một cách dễ dàng và sâu giấc. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình sản sinh hormone tăng trưởng và gây cản trở quá trình phát triển chiều cao.
- Bài viết liên quan: Những cách tăng chiều cao cho trẻ sơ sinh hiệu quả